TH-Kỹ thuật khai thác cây cao su

2017-12-15 11:47:10

Thời gian chăm sóc cao su từ lúc bắt đầu trồng đến lúc bắt đầu khai thác kéo dài từ 5-7 năm.

I. TỔ CHỨC KHAI THÁC CÂY CAO SU

1. Tiêu chuẩn cây cao su đưa vào cạo mủ

Cây cao su được xem là đạt tiêu chuẩn mở cạo khi bề vòng thân cây đạt từ 50cm trở lên, đo cách mặt đất 1m. Cần tránh việc cạo cây quá nhỏ (dưới 40 cm) vì vỏ mỏng dễ bị phạm, cây lâu lớn, năng suất lâu dài về sau bị ảnh hưởng, sản lượng gỗ cũng ít.

Vườn cây đủ tiêu chuẩn đưa vào khai thác khi có khoảng 50% số cây đạt tiêu chuẩn mở miệng cạo đã nêu trên.

2. Số cây trên một phần cạo (Số cây một người có thể cạo trong ngày)

Tùy điều kiện, và sức khỏe của người công nhân cạo mủ. Một người có sức khỏe bình thường có thể cạo được 350-450 cây/ngày.

3. Trang bị vật tư cho cây cạo mủ

Cây cạo được trang bị đầy đủ  các vật tư : Kiềng, chén, máng. Máng đóng nghiêng dưới miệng tiền 10cm, kiềng buộc cách miệng tiền 25-35 cm, không được đóng kiềng vào thân cây cao su.

Chén hứng mủ làm bằng đất nung, trong lòng chén có tránh lớp men sứ để dễ bóc mủ chén, một số nơi cũng dùng chén nhựa.

4. Thiết kế miệng cạo.

a. Chiều cao miệng cạo

Miệng cạo cây mới mở có miệng tiền đo 1,2m cách chân voi (chỗ mọc của mắt ghép, khi lớn có ngăn cách dễ nhìn thấy).

b. Độ dốc miệng cạo

Tùy theo tuổi cây, độ dốc miệng cạo so với trục ngang là :

- Cây mới cạo (tơ) : 34o

- Cây trung niên : 32o

- Cây già : 30o

- Cây cạo úp (ngược) : 45o

c. Thiết kế miệng cạo

Dụng cụ để thiết kế miệng cạo gồm :

* Thước gỗ 150cm có đánh dấu miệng tiền, vị trí cắm máng, vị trí treo kiềng.

* Rập (cờ) có cán để bảo đảm độ dốc.

* Móc rạch

Cách thiết kế miệng cạo :

* Miệng tiền được mở đồng loạt cùng một hướng trong vườn. Đo từ chân voi lên 1, 2, dùng thước và móc rạch rạch miệng tiền, sau khi chia thân cây cao su làm 2 phần bằng nhau, xác định và rạch ranh hậu, đặt rập ngay đúng vị trí ranh tiền để rạch miệng tiền chuẩn.

* Khơi mương tiền dài 11-12cm, sâu đến lớp da cát mịn, nhỏ dần (kiểu đầu voi, đuôi chuột), rọc ranh hậu dài 15cm, sâu đến lớp da cát thô, tiến hành trang bị cho các cây đã thiết kết cạo xong (đóng máng, buộc dây kiềng...).

d. Mở thêm miệng cạo

Vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm mở thêm miệng cạo  những cây đã đủ tiêu chuẩn mở miệng cạo. Đầu năm cạo thứ ba mở tất cả các cây có vòng thân trên 40cm. Miệng cạo cùng độ cao hiện tại của cây mở trước.

5. Mở miệng cạo

Sau khi thiết kế xong, cạo xả miện 3 nhát dưới đây:

- Nhát 1 : Cạo chuẩn

- Nhát 2 : Vạt nêm

- Nhát 3 : Hoàn chỉnh miệng cạo, cạo ép má dao từ từ đến độ sâu cạo qui định, tránh không để cạo phạm khi mở miệng cạo. Mức độ hoa vỏ cạo khi mở miệng cạo ban đầu cho phép tối đa từ 1,5 - 2,0cm.

II. CHẾ ĐỘ CẠO

Chế độ thông dụng hiện nay là cạo 1/2 vòng, nhịp độ cạo có thể thay đổi tùy theo dòng vô tính. Nói chung, các dòng vô tính PB 235, PB 260 và VM 515 nên cạo d/3 (tức 1 ngày cạo 2 ngày nghỉ). Các dòng vô tính (GT1, RRIM 600) cạo d/2 (tức ngày cạo ngày nghỉ). Hai dòng vô tính này có thể cạo d/3 kết hợp dùng thuốc kích thích nhẹ như Ethephon 2,5%. Chế độ  cạo này có lợi hơn vì thu hoạch cùng sản lượng như cạo d/2 nhưng tiết kiệm được công cạo mủ và nhất là tiết kiệm lớp vỏ nguyên sinh. Tuy nhiên, muốn dùng chất kích thích mủ phải tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

III. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU TRONG VIỆC CẠO MỦ

1. Thời vụ cạo mủ

Việc mở miệng cạo các vườn cây mới đưa vào cạo được tiến hành vào các tháng 3-4 (trước mùa mưa) và cuối tháng 10 (sau mùa mưa) ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Vườn cây đang khai thác cho nghỉ cạo lúc cây cao su ra lá mới (thường vào tháng 1 và tháng 2). Cây được cạo lại khi đã có tầng lá đã ổn định (vào tháng 3-4).

2. Độ sâu cạo mủ

Qui định từ 1,1-1,3mm cách tượng tầng. Tránh cạo cạn, cạo sát, tuyệt đối không được cạo phạm đến phần gỗ.

3. Mức độ hao dăm - Đánh dấu hao dăm.

Đối với miệng cạo xuôi từ 1,1-1,5mm/lần cạo. Hàng năm trước khi cạo lại, dùng sơn đánh dấu hao dăm cho 1 năm.

Hàng quý (đầu quý) vạch trên vỏ cạo các vạch chuẩn để khống chế mức hao vỏ/quý.

Hàng tháng dùng dao cạo đánh dấu mức hao vỏ cạo/tháng ở đầu 2 nơi tiền và hậu.

4. Tiêu chuẩn đường cạo

Đúng độ dốc, có lòng máng, vuông tiền, vuông hậu, không lệch miệng, không vượt tuyến, không gợn sóng.

5. Giờ cạo mủ - trút mủ

a. Giờ cạo mủ Chỉ bắt đầu cạo khi thấy rõ đường cạo. Vào mùa mưa không cạo khi vỏ cây bị ướt. Phải chờ đến khi ráo nước mới cạo. Hiện nay đã có các kiểu máng che mưa trên cây cạo.

b. Trút mủ

Khi mủ ngưng chảy thì tiến hành trút mủ, nếu trời chuyển mưa thì trút mủ sớm để tránh mủ bị rửa trôi.

Cây nào cạo trước trút trước. Dùng vét tận thu mủ trong chén.

6. Công việc trước và sau khi cạo mủ từng cây

Trước khi cạo, phải bóc mủ dây, mủ chén, sửa lại kiềng, máng, úp chén trên kiềng. Cạo xong, ngửa chén lên và dẫn mủ chảy vào chén rồi mới qua cạo cây khác.

Hướng đi cạo theo những cây kế cận nhau, sau mỗi lần cạo phải đổi đầu phần cây cạo.

Sau khi trút mủ xong, đặt chén mủ lại vị  trí cũ để hứng mủ chảy trễ, tránh trút sót mủ.

IV. BÓN PHÂN VƯỜN CÂY CẠO MỦ

1. Liều lượng bón (kg/ha)

 Urê  Apatit  Kali

Đất đỏ  147  180  112

Đất xám  175  225  135

2. Thời vụ bón

Bón chia làm 2 đợt

- Đợt I : Bón 2/3 số lượng phân đã nêu trên vào tháng 4,5 (đầu mùa mưa).

- Đợt II : Bón 1/3 số lượng phân còn lại vào tháng 10 (cuối mùa mưa)

3. Cách bón

Rạch giữa hàng cao su, bón phân dọc theo rãnh, sau đó vùi lấp phân.

4. Lưu ý

Không đốt lá cao su trên vườn cao su vì sức nóng sẽ làm chai đất, hư hỏng phân đã bón và rễ cây.

( Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp Nhiệt đới)

Ý kiến bạn đọc ()
Ho.cong.kuu
15/07/2020 03:26

Canho.tro.cham.bon.cao.su

Trả lời


Xem thêm



SB-Bệnh phấn trắng cây cao su

Để phòng trừ bệnh phấn trắng trên cây cao su hiệu quả, không những cần sử dụng đúng thuốc, phun xịt đúng kỹ thuật mà còn phải áp dụng đồng thời nhiều biện pháp...


SB-Bệnh vàng lá cao su

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bình Dương, đến nay toàn tỉnh này đã có hơn 4.100 hécta cao su nhiễm bệnh corynespora...




Phòng trừ bệnh hại trên cây cao su

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay thì rất dễ làm phát sinh các loại sâu bệnh hại trên cây cao su...






Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng