Sinh vật ngoại lai - Mối hiểm họa của ngành Nông nghiệp

2019-05-31 07:36:25

Sinh vật ngoại lai là loài sinh vật xuất hiện, sinh trưởng và phát triển ở khu vực mà vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của loài đó. Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài chiếm nơi sinh sống hoặc gây ảnh hưởng xấu đến những loài sinh vật bản địa của vùng đó. Chúng làm mất đi sự cân bằng sinh thái tại nơi chúng lấn chiếm (Theo Luật đa dạng sinh học Việt Nam 2008)

Trong thế giới sinh vật việc du nhập, phát tán có chủ đích hoặc không có chủ đích sinh vật ngoại lai vẫn thường xảy ra. Sinh vật ngoại lai được biết đến, nói chung là loại sinh vật du nhập từ nước ngoài vào nước ta. Chúng có cả tác động tích cực và tiêu cực đến môi trường sống. Điều đáng nói mà chúng ta quan tâm ở đây, là những sinh vật ngoại lai xâm hại (NLXH). Sinh vật NLXH có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, từ các loài vi sinh vật, thực vật bậc thấp, đến thực vật bậc cao. Từ động vật không xương sống hoặc động vật máu lạnh như nhuyễn thể, cá, lưỡng cư, bò sát; cho đến máu nóng như chim, thú. Sinh vật NLXH có khả năng xâm hại các hệ sinh thái khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hệ sinh vật bản địa. Sự xâm lấn của sinh vật NLXH có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội và sức khỏe của con người.
Trong danh sách 100 sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới, nhiều loài đang hiện diện tại VN và là mối nguy lớn cho môi trường sinh thái. Trong số này, nhiều sinh vật NLXH đến nay vẫn tồn tại, gây hại và phát triển dai dẳng. 
Những đối tượng đáng chú ý và điển hình nhất: Về thực vật ngoại lai xâm hại có cây Mai dương, bèo Nhật Bản, cây Bìm bôi ...Về động vật ngoại lai xâm hại có Ốc bươu vàng, bọ cánh cứng hại dừa, bọ phấn thuốc lá, Rùa tai đỏ, cá chim trắng, cá dọn bể... Gần đây hai động vật ngoại lai xâm hại là Tôm hùm đất, Tôm càng đỏ đã và đang gây những ra tác hại nghiêm trọng. 
Những sinh vật ngoại lai xâm hại điển hình 
- Cây Mai dương (Trinh nữ thân gỗ - Mimosa pigra): Hiện nay, cây Mai dương có mặt trên khắp các tỉnh trong cả nước. Cây Mai dương không chỉ gây hại với Vườn quốc gia Tràm Chim; mà đang là mối đe dọa đến đời sống của một số loài động, thực vật của vùng đồng bằng Nam bộ, Đông Nam bộ...  Tại Tràm Chim, diện tích loại cây này lên đến hơn 2.000 ha (25% diện tích rừng). Trong đó, vài trăm héc ta cây mọc dày đặc, kể cả cỏ trời, bãi năn của sếu cũng bị ảnh hưởng. Không chỉ xâm hại đến diện tích rừng tràm, loài cây này còn đe dọa trực tiếp đến môi trường sống của nhiều loài chim, bò sát… Phá vỡ đa dạng sinh học của Vườn quốc gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, sinh kế của người dân. Các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu đất ngập nước nhiệt đới - Đại học Northem Teritorry (Úc) cảnh báo: Trong vài năm tới, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ bị xoá sổ, nếu như không diệt trừ tận gốc cây Mai dương.


Cây Mai dương mọc thành rừng

- Cây Bìm bôi hoa vàng (Merremia boisiana): Xuất hiện ở Sa Pa (Lào Cai), Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vườn quốc gia Bạch Mã, Nam Đông (Thừa Thiên- Huế), các đai cao của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Bà Nà (Đà Nẵng)… Theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, hiện có khoảng 15.000ha/55.000ha rừng ở đây đã bị loại dây leo này che phủ. Bìm bôi phát tán rất nhanh bằng hạt, chồi, rễ và thân. Cây Bìm thường bôi leo đè lên bất cứ một loài cây thân gỗ đó nào để “chiếm đoạt” ánh sáng. Tán lá rộng và dày đặc của nó đã che kín không gian phía trên, khiến thảm thực vật bên dưới bị chết sau một thời gian thiếu ánh sáng. Thực vật phía dưới chết tạo nên lớp lá khô rất dễ gây cháy rừng. Một số vụ cháy rừng thông ở vùng rừng cấm Hải Vân trong những năm, qua đều có liên quan đến loài Bìm bôi. 


Cây Bìm bôi 

- Cây Bèo tây (bèo lục bình - Eichhornia crassipes): Bèo tây, có đặc điểm sinh sôi rất nhanh, phát triển mạnh kết thành những mảng lớn lan tràn kín mặt sông, hồ, mương nước, choán kín cả lòng sông, gây tắc nghẽn dòng chảy. Những nơi Bèo tây phát triển quá nhiều, làm hạn chế vấn đề đi lại đường thủy, ảnh hưởng đến các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, thủy điện, bơi lội giải trí. 
Tại một số địa phương, Bèo tây đang là nguyên nhân khiến cho tình trạng thoát nước, giảm ngập của thành phố không thể phát huy hiệu quả cần có. Bèo tây quá dày sẽ chết thối, gây ra hiện tượng ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản; nhất là các mô hình nuôi cá lồng trên sông. 


Cây bèo tây 

- Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata): Ốc bươu vàng là một trong những sinh vật NLXH mạnh nhất ở Việt Nam. Chúng nhanh chóng phát tán dọc theo các thủy vực và hiện đã được ghi nhận ở hầu khắp các vùng tại Việt Nam. Chúng có thể đẻ trứng khắp nơi, bám vào cành cây, ngọn cỏ, thậm chí đẻ cả trên các bờ gạch, đá. Chúng phá hại lúa cắn phá lúa non gây thiệt hại năng suất lúa; thực sự là một vấn nạn trong sản xuất lúa của nhiều địa phương. Các nghiên cứu cho thấy, 1 con Ốc bươu vàng (2 - 3 cm)/m2 gây hại trong giai đoạn lúa 3 - 20 ngày. Sau sạ, cũng mật độ trên sẽ làm giảm 15 - 20% năng suất lúa. Nếu mật độ 6-10 con ốc/ m2 thì ruộng lúa sạ sẽ mất trắng sau 1 ngày đêm.


Ốc bươu vàng hại lúa 

Xem thêm bài SINH VẬT NGOẠI LAI - MỐI HIỂM HỌA CỦA NGÀNH NN - PHẦN 1: ỐC BƯƠU VÀNG

- Rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans): Loài này với khả năng thích nghi cao nên có thể sống ở bất kỳ môi trường nào. Theo báo cáo của Sở nghiên cứu về cá và động vật hoang dã tại Oregon (Mỹ), Rùa tai đỏ tập tính hung hăng, lỳ lợm và sống lâu đến 40 năm. Rùa tai đỏ là loài ăn tạp, ăn gần như tất cả mọi thứ, do vậy, rất nguy hại cho môi trường tự nhiên. Chúng có lớp mai đặc biệt cứng cáp nên gần như không có đối thủ khi xâm lấn các môi trường khác. Loài rùa này có tốc độ sinh sản nhanh hơn so với nhiều loài rùa bản địa. Không chỉ có hại cho môi trường sinh thái, Rùa tai đỏ còn gây nguy hiểm cho cả con người. Rất nhiều báo cáo cho biết Rùa tai đỏ mang trên mình vi khuẩn Salmonella - một dạng vi khuẩn gây bệnh thương hàn. 


Rùa tai đỏ   

- Tôm hùm đất (Procambarus clarkii) và Tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus): Gần đây Tôm hùm đất, Tôm càng đỏ là những sinh vật ngoại lai có tính xâm hại cao. Cả hai đối tượng đều ăn tạp, phàm ăn, cạnh tranh thức ăn, lấn chiếm nơi sống, tấn công các loài tôm bản địa, sinh sản nhanh. Chúng có thể chống chịu điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lây lan dịch bệnh cho tôm bản địa. Theo cở sở dữ liệu toàn cầu, Tôm hùm đất là loài xâm hại điển hình. Loài này có khả năng sinh sống ở nhiều loại môi trường khác nhau, từ vùng ven biển nước lợ tới môi trường nước ngọt; sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn. Tôm hùm đất và Tôm càng đỏ đều có khả năng đào hang hốc (sâu đến 2 m), có thể gây hại cho các công trình thủy sản, đê điều… 


Tôm hùm đất 

Xem thêm bài Sinh vật ngoại lai - Mối hiểm họa của ngành NN - PHẦN 2: TÔM HÙM ĐẤT

Sinh vật ngoại lai xâm hại và trách nhiệm của chúng ta
Sinh vật NLXH không chỉ là mối hiểm họa của ngành nông nghiệp mà còn gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, đến an sinh xã hội. Sinh vật NLXH đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và phát triển kinh tế của đất nước. Nhiều năm qua, có nhiều vùng, người dân điêu đứng vi sự xâm hại của sinh vật NLXH. Chúng ta đã tiêu tốn nhều công sức, tiền của chi phí, dùng nhiều biện pháp để hạn chế sự xâm hại của sinh vật NLXH nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. 
Cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc, có nhiều biện pháp quyết liệt đối với các đối tượng ngoại lai xâm hại: Nghiêm cấm nhân nuôi, lưu thông, buôn bán Ốc bươu vàng, Rùa tai đỏ, gần đây là Tôm hùm đất, Tôm càng đỏ….  
Trong điều kiện quy mô sản xuất của Việt Nam còn nhỏ lẻ, khó kiểm soát, việc để lọt sinh vật NLXH ra môi trường có thể là một đại họa.  Vì thế chúng ta cần sớm có biện pháp ngăn chặn, diệt trừ kịp thời. Quản lý sinh vật NLXH đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ ĐDSH, bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước. Mức độ gây hại nghiêm trọng của các loài sinh vật NLXH diễn biến rất phức tạp. Do vậy, tinh thần cảnh giác phòng trừ cần được quán triệt thường xuyên, từ các cơ quan quản lý NN đến tận người dân. Phòng trừ các đối tượng sinh vật NLXL cần tiến hành càng sớm càng mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, cần có biện pháp phù hợp với từng vùng sinh thái và mức độ xâm lấn cụ thể của sinh vật ngoại lai. Người dân tự giác không sử dụng sinh vật ngoại lai làm nguồn giống cây trồng, vật nuôi khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng. Kiểm soát sinh vật ngoại lai là trách nhiệm của mỗi chúng ta. 

Theo Cổng nông dân


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng