SB-Thuốc thảo mộc từ những cây có độc tính trừ diệt Ốc bươu vàng

2019-06-06 08:27:43

Ốc bươu vàng (OBV) là loài gây hại hàng đầu cho ngành nông nghiệp, loài sinh vật ngoại lai xâm hại này gây hại dai dẳng từ nhiều năm nay.

Ốc bươu vàng là loài ăn tạp và ăn khỏe, chúng có thể ăn rất nhiều loại cây, cỏ khác nhau. Lúa là loại thức ăn ưa thích và cũng là loại cây trồng bị OBV phá hoại mạnh nhất. Diệt trừ OBV là vấn đề đặt ra đối với tất cả các vùng trồng lúa. Để bảo vệ mùa màng, người dân đã dùng những loài cây có chất độc, làm ra chế phẩm diệt trừ OBV. 
OBV gây hại rất nhiều cho người dân. Ảnh
1. Cây Bình bát (Annona reticulata) họ Mãng cầu Annonaceae
Đặc điểm cây: Là loài cây mọc hoang rất nhiều ở các tỉnh phía nam, hạt bình bát chứa nhiều acetogenin: reticulatain, Squamocin. 


 Quả Bình bát

Bộ phận sử dụng: Hạt, lá và rễ đều chứa độc tố. Nhưng chủ yếu là ở hạt.    
Cách làm và liều lượng sử dụng: 
- Sử dụng 500g hạt bình bát đem giã nát ngâm với 250ml rượu trắng. Rượu vừa là dung môi hòa tan vừa có tác dụng làm chất xúc tác, tạo mùi thơm, dẫn dụ OBV đến và ngấm thuốc. Sau khi ngâm 1 ngày, lọc bỏ bã pha với 16 lít nước, cho vào bình xịt
- Với liều lượng này có thể sử dụng cho 1.000m2 ruộng lúa. 
- Triệu chứng của OBV sau khi nhiễm thuốc:
Qua các thử nghiệm trong phòng, với liều lượng trên 100% OBV chỉ sau 12 giờ. Có nơi 100% OBV chết sau 24 giờ sử dụng thuốc. 
OBV chết với các triệu chứng chảy nhớt, mất nước. Còn trứng OBV cũng bị vỡ lớp vỏ cứng, hư hỏng không thể nở ra ốc con. Qua kết quả thực nghiệm còn cho thấy: sau 3 ngày, thuốc còn tác dụng 60%, đến 5 ngày còn 30% ốc bị chết. 


“Thuốc diệt Ốc bươu vàng bằng hạt bình bát” của học sinh Trần Thị Lan Anh, lớp 10A2

(Sản phẩm “Thuốc diệt OBV bằng hạt bình bát” đã nhận được giải khuyến khích trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ V năm 2018).

- Khi tiến hành ngoài đồng ruộng, tác dụng thuốc vẫn tương tự. Bên cạnh đó, độ pH đo được trong dung dịch nước ruộng không thay đổi nhiều, dao động từ 6,75 (lúc chưa sử dụng thuốc) lên 6,76 (sau khi dùng thuốc). 
- Để thuốc có tác dụng tốt nhất, nên áp dụng khi mật độ ốc cao - nhiều hơn 3 con/m2. Khi phun thuốc, mực nước trên mặt ruộng duy trì khoảng 2cm là vừa. Sau phun, nên tiếp tục giữ nước 2 ngày để diệt hết số lượng ốc còn sót lại vì thuốc chỉ có tác dụng tốt trong 3 ngày đầu. Nên phun lúc chiều mát hay sáng sớm và nơi có nhiều ốc tập trung để phát huy tối đa hiệu quả thuốc.
2. Cây Thàn mát (Millettia ichthyochtona) thuộc họ đậu Fabaceae
Đặc điểm cây: Thàn mát còn gọi là cây duốc cá, cây mác bát, là một loài cây rừng to, cao khoảng 5-10m, mọc ở hầu khắp các tỉnh rừng núi phía bắc. 
Bộ phận sử dụng: Hạt Thàn mát có chứa tới 38- 40% dầu. Trong hạt có chứa các chất độc rotenon. Bộ phận dùng chủ yếu là hạt. Hạt Thàn mát có có tính độc đối với hầu hết côn trùng và động vật thủy sinh. Lợi dụng đăc tính này gần đây nhiều nơi đã dùng hạt Thàn mát làm thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bọ hại mùa màng. 


Cây Thàn mát

Cách làm và liều lượng sử dụng: 
Giã nhỏ hạt Thàn mát 300g ngâm với 1 lít nước lã từ 12 - 24 giờ, sau đó pha loãng với 10-12 lít nước, phun lên cây. Dung dịch thuốc này rất có hiệu quả đối với nhiều loại sâu hại ngô, sâu keo, rệp khoai, rệp hại bông v.v... Đối với OBV nên áp dụng khi mật độ ốc 3 con/m2 trở lên. Khi phun dung dịch Thàn mát xử lý OBV, ruộng cần được be bờ chắc chắn, hết sức thận trọng không để nước ruộng rò rỉ ra ngoài. Cá rất nhậy cảm đối với chất độc có trong hạt Thàn mát, do vậy nước ruộng rò rỉ ra ngoài sẽ làm chết cá khu vực xung quanh. Khi phun thuốc, mực nước trên mặt ruộng nên duy trì khoảng 2cm, nhằm hạn chế sự di chuyển của OBV. Sau phun, nên tiếp tục giữ nước 2 ngày để những con OBV còn ở sâu trong bùn tiếp tục nhiễm thuốc. 
3. Cây Sui (Antiaris toxicaria) họ dâu tằm Moraceae
Đặc điểm cây: Cây Sui còn có tên gọi khác là cây thuốc bắn, cây vối thuốc. Loài cây  này mọc tự nhiên trong các khu rừng nguyên sinh ở Ngọc Vừng, Vân Đồn, Quảng Ninh và một số tỉnh rừng núi phía bắc. 
Bộ phận sử dụng: Vỏ cây, hạt, lá và rễ đều chứa độc, bộ phận dùng chủ yếu là vỏ. Cây Sui chứa chất độc cardenolides glycoside nổi tiếng được dùng để tẩm cho mũi tên và phi tiêu trong săn bắn của người xưa. 
Cách sử dụng: 
Cây Sui có nhiều nhựa màu trắng rất độc, chứa các glucosid antiarin, antioresin, toxicarin và chất béo. Nếu nhựa của cây Sui ngấm vào cơ thể người và động vật máu nóng, gây ra những tác động rất nguy hiểm, dễ dẫn đến cái chết. 


Cây Sui

Anh Lê Văn Kim, thôn Bình Minh (Ngọc Vừng, Vân Đồn, Quảng Ninh) đã lợi dụng độc tính của cây Sui, có sáng kiến diệt OBV bằng cách bóc vỏ cây Sui về giã nhỏ, hòa với nước đổ xuống các cánh đồng lúa để tiêu diệt OBV phá lúa. Sau đó, nhiều người dân trong vùng cũng thực hiện theo cách này rất hiệu quả. Những người không có điều kiện lên rừng lấy vỏ Sui thì phải mua lại của những người khác. Diệt OBV từ cây Sui đang là phong trào của người dân vùng này. 
Theo các nhà khoa học (PGS.TS.  Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Quang Thạch, trường Đại học Nông nghiệp; TS Nguyễn Trường Thành, nguyên cán bộ Viện Bảo vệ thực vật, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế phẩm phòng trừ OBV bằng thảo mộc) cho biết, những cây có chất độc diệt được động vật thủy sinh, OBV ăn phải chất độc bị chết là điều dễ hiểu. 
Trong thiên nhiên có nhiều loài cây, trong nhựa cây, lá, hạt có độc tố có thể tiêu diệt các loại sâu bọ, vi sinh vật gây hại. Ví dụ như người ta ngâm thuốc lá hay thuốc lào vào nước, lấy nước đó đổ ra đồng ruộng cũng khiến sâu bọ, OBV bị chết. Ở những vùng như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, người dân thường đem bã cây sở (chất thải của các nhà máy sản xuất dầu sở) để bón ruộng, vừa tăng chất dinh dưỡng, vừa có thể diệt OBV. 
Chất độc trong thảo mộc được dùng để bảo vệ cây trồng nói chung là an toàn, nhưng có những loài thảo mộc có chất độc nguy hiểm đến cả tính mạng con người. Mỗi vùng, miền đều có những loài cây có độc khác nhau. Người dân của mỗi vùng theo kinh nghiệm của mình, làm ra những chế phẩm để diệt trừ OBV với cách thức và liều lượng khác nhau. 
Theo các chuyên gia, để diệt OBV có hiệu quả cần sự vào cuộc của cả địa phương, vì sức sống của loài sinh vật này rất mãnh liệt. Nếu chỉ diệt trên một vài thửa ruộng, thì sau đó chúng lại lây lan tiếp tục phát triển, thậm chí còn nhiều hơn trước. Do vậy, diệt OBV phải tiến hành đồng bộ, đảm bảo an toàn cho các loài khác và an toàn với môi trường. 
Khi OBV phát triển ở mật độ cao, chúng ta có thể sử dụng thuốc thảo mộc đã được kiểm nghiệm rất kỹ của cơ quan chuyên môn trước khi đưa vào ứng dụng, để khống chế sự phát sinh gây hại của chúng.
4. Thuốc thảo mộc diệt OBV
- Thuốc thảo mộc diệt OBV:
Đặc tính chung của các chế phẩm này là có thành phần saponin. Một số thuốc thảo mộc thường được sử dụng là BUORBO 8.3 BR, TICTACK 13.2 BR dạng bột khô và CH-01 dạng nước chiết.
+ BUORBO 8.3 BR được dùng cho ruộng sạ khô với lượng 15-20kg/ha sau khi làm đất sạ lúa hoặc sau khi sạ lúa.
+ TICTACK 13.2 BR dùng trước bừa lần cuối 2-3 ngày hoặc sau gieo cấy 1-15 ngày với mực nước trên ruộng khoảng 5-10cm, lượng dùng từ 10-15kg/ha. Sản phẩm này được dùng có hiệu quả trừ OBV cả trên ao, hồ với lượng 10gr/m3 nước.

Theo Cổng nông dân


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng