SB-Bệnh khô miệng cạo trên cây cao su: Phòng là chính

2018-10-09 11:43:04

Nếu trên cây cao su xuất hiện bệnh khô miệng cạo thì khả năng phát tán bệnh rất khó lường. Khi cây mắc bệnh, miệng cạo sẽ bị khô dần, ngưng cho mủ. Mặc dù bệnh xuất hiện đã lâu và khá phổ biến, nhưng đến nay, nông dân vẫn chưa có cách phòng trị triệt để.

Người trồng cần đảm bảo kỹ thuật cạo, góp phần giảm thiểu cây bị bệnh

Vườn cao su rộng 1 ha, 10 năm tuổi của gia đình ông Huỳnh Văn Sâm ở ấp 1, xã Tân Khai (Hớn Quản) đang bị bệnh khô miệng cạo phát tán. Ông Sâm cho biết, sau khi vườn cây đưa vào khai thác được 3 năm, một số cây bị khô miệng cạo. Lúc đầu, một phần miệng cạo không có mủ và dần dần khô lại. Sau đó nếu vẫn tiếp tục khai thác thì toàn bộ mặt cạo bị khô, vỏ cây chuyển thành màu nâu và bong ra từng lớp. Lúc này cây không cho mủ nữa. Nếu mở miệng cạo khác thì chỉ trong thời gian ngắn, miệng cạo này cũng bị khô. Vì vậy cây nào bị bệnh coi như bỏ hẳn. Thời điểm này, có khoảng 2% số cây trong vườn nhà ông Sâm đã khô miệng cạo và đang bị nứt vỏ, gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình. Khi cây chưa bị bệnh cho năng suất gần 70kg/ngày, giờ chỉ chưa đầy 50kg/ngày.

Hơn 1 ha cao su đang trong thời kỳ khai thác của gia đình anh Nguyễn Khắc Lý ở ấp 5, xã An Khương cũng bị khô miệng cạo. Hiện số cây bị bệnh chiếm khoảng 5% diện tích vườn. Theo anh Lý, nguyên nhân do khi cạo mủ gặp trời mưa, nước chảy vào miệng cạo khiến cây bị bệnh, hoặc do cạo phạm vào thân cây. Ngoài ra có thể do giống cao su có khả năng chống chịu bệnh kém. Mặc dù anh Lý đã xử lý bằng nhiều loại thuốc nhưng không thể trị dứt loại bệnh này. Anh Lý cho biết thêm, hiện tượng khô miệng cạo đang xuất hiện ở vườn cao su của nhiều hộ trong xã. 

Huyện Hớn Quản hiện có khoảng 38.000 ha cao su, trong đó có 27.000 ha đang khai thác. Bệnh khô miệng cạo đã xuất hiện nhiều trong khoảng 3 năm nay. Theo kinh nghiệm của nông dân, nguyên nhân do khai thác quá mức cho phép, nên cây không có đủ thời gian bổ sung chất dinh dưỡng để tái tạo mủ.

Ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản cho biết: Cao su bị khô miệng cạo là do nông dân sử dụng chất kích thích nhiều, cạo phạm, ảnh hưởng đến hệ thống dẫn mủ... Trạm khuyến cáo người trồng nên cạo D3 (tức ba ngày cạo một lần) thay vì cạo D2 (hai ngày cạo một lần). Vì cạo D2 như hiện nay thì cây không đủ sức, không hồi phục kịp, khả năng kháng bệnh rất kém; đồng thời phải sử dụng chất kích thích đúng liều lượng. Hàng năm nhất là vào giai đoạn ra lá non, người dân nên xịt thuốc phòng chống bệnh phấn trắng đồng loạt, triệt để. Bởi, nếu bị bệnh phấn trắng, để rụng lá 2-3 lần thì cây sẽ suy kiệt rất nhanh, khả năng chống bệnh giảm dần. Để phòng được bệnh khô miệng cạo trên cây cao su, người trồng phải áp dụng đồng bộ các giải pháp như bổ sung đủ dinh dưỡng, kỹ thuật cạo và thực hiện chế độ cạo an toàn.

Theo baobinhphuoc.com.vn


Xem thêm



SB-Bệnh phấn trắng cây cao su

Để phòng trừ bệnh phấn trắng trên cây cao su hiệu quả, không những cần sử dụng đúng thuốc, phun xịt đúng kỹ thuật mà còn phải áp dụng đồng thời nhiều biện pháp...


SB-Bệnh vàng lá cao su

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bình Dương, đến nay toàn tỉnh này đã có hơn 4.100 hécta cao su nhiễm bệnh corynespora...




Phòng trừ bệnh hại trên cây cao su

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay thì rất dễ làm phát sinh các loại sâu bệnh hại trên cây cao su...






Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng