2019-12-13 16:46:00

Cá Còm còn gọi là cá Nàng hai, là loài cá được xếp phân loại trong cùng một họ với cá Thát lát (họ Notopteridae). Đây là loài cá nước ngọt có nhiều ở đồng bằng Nam bộ, có chất lượng thịt ngon gần giống như cá Thát lát.


Trước đây cá Còm trong tự nhiên còn khá phong phú, nhưng do khai thác quá mức nên hiện nay cũng trở nên rất hiếm, sản lượng khai thác tự nhiên không còn nhiều. Ngoài giá trị làm thực phẩm, cá Còm được nuôi làm cá cảnh có giá trị khá cao, được người nuôi cá cảnh ưa thích. Do ngày càng hiếm trong tự nhiên nên việc khôi phục, phát triển loài cá này trong khu hệ cá Nam bộ có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện nay sản xuất giống nhân tạo cá Còm đã có kết quả tốt, có thể sản xuất giống đại trà theo nhu cầu nghề nuôi, do đó có thể phát triển hơn nữa nuôi cá Còm có sản lượng lớn nhằm cung cấp loại thực phẩm có giá trị cao trên thị trường.

I. Một số đặc điểm sinh học

1.1. Phân loại, hình thái, phân bố

Bộ: Osteiglossiformes (cá Thát lát)

Họ: Notopteridae

Giống: Chilata

Lòai ornata (Gray, 1831)

Cá Còm phân bố ở nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan, Myanma, Campuchia, Indonesia và Nam Bộ của Việt Nam. Ở Việt Nam, cá Còm không có ở các tỉnh phía Bắc, chỉ phân bố ở các tỉnh Nam Bộ. Trước đây cá Còm được xếp chung một giống (Genus) với cá Thát lát và có tên khoa học đồng danh như Notopterus chilata hay Mystus chilata (cá phân bố ở sông Hằng thuộc Ấn Độ), hiện nay chúng được tách riêng 2 giống khác nhau (Rainboth, 1991). Cá sống trong hầu hết các loại hình thủy vực nước ngọt giống như cá Thát lát, thường gặp chúng ở các vùng cửa sông, ao hồ, ruộng, kênh rạch, sông ngòi, các vùng nước trũng ngập lụt. Cũng như cá Thát lát, cá Còm cũng có thể sống được trong các ao chất hẹp, ao nước tĩnh, vùng nhiễm phèn nhẹ.và vùng nước lợ ven biển. Chúng có thể sống ở những thủy vực hàm lượng ôxy hoà tan ít do có cơ quan hô hấp phụ nên lấy được khí trời để duy trì hô hấp. Cá được nuôi làm cá cảnh rất đẹp và sống rất tốt trong điều kiện nuôi chật hẹp trong bể cá cảnh.

Cá Còm có thân dẹp bên, lưng nhô cao nên có tên gọi là "Còm " (tức là "gù"). Cá Còm có đầu nhỏ, nhọn, miệng trước, rạch miệng xiên kéo dài qua khỏi mắt, lỗ miệng rộng, xương hàm trên phát triển. Có một đôi râu mũi ngắn, mắt nằm lệch về phía lưng của đầu. Lưng của thân và đầu màu xanh rêu, hai bên hông và bụng màu trắng. Cá còn nhỏ dưới 10cm có 10-15 hàng băng đen chạy ngang thân, các băng này mờ dần khi cá lớn và trở thành các chấm lớn đen to, tròn ở phần đuôi, mỗi chấm đen đều có vành trắng bên ngoài (có từ 5-10 chấm).

Trong tự nhiên cá sống ở tầng giữa và tầng đáy, thích ở những nơi nhiều cây cỏ, ban ngày thường ẩn mình trong các đám thực vật thủy sinh, ban đêm hoạt động nhiều hơn. Nhiệt độ thích hợp cho cá từ 26-28oC, nhiệt độ giới hạn của cá Còm là 14oC (thấp nhất) và 36oC (cao nhất). Một số thực nghiệm trên cá Còm cho thấy cá có mức tiêu hao ôxy trung bình thấp so với nhiều loài cá khác : tiêu hao ôxy trung bình của cá là 0,59mg ôxy/gam/giờ ở nhiệt độ 28-29oC.

Trước đây sản lượng khai thác tự nhiên khá cao, nhưng hiện nay đã giảm nghiêm trọng, trở nên loài cá hiếm.

1.2. Đặc điểm dinh dưỡng

Cá nhỏ thích ăn các loài sinh vật phù du, sau đó chuyển sang ăn động vật phù du là chính, cá lớn ưa thích ăn động vật. Nhưng trong hoạt động bắt mồi thì cá có thể chuyển đổi loại thức ăn, ăn tạp gồm cả thực vật và động vật, côn trùng, giáp xác, rễ thực vật thủy sinh, phù du động vật, động vật đáy, nhuyễn thể, mùn bã hữu cơ và bắt ăn cả cá con. Hệ tiêu hoá có dạ dày khá lớn, hình cong có vách hơi dày, thực quản ngắn, rộng, ruột ngắn, chiều dài ruột bằng 25-30% chiều dài thân, răng hàm dưới phát triển và sắc nhọn. Một số tài liệu nước ngoài nghiên cứu về thức ăn của cá Còm cho thấy cá bắt ăn nhiều loài động vật trong nước (giáp xác, cá, côn trùng). Theo tài liệu của Uỷ hội sông Mê công (MRC), cỡ cá lớn xấp xỉ 100 cm là một địch hại cho cá. Do có tập tính khá dữ nên người nuôi cá này làm cảnh cũng chỉ nuôi riêng chúng trong bể kính.

1.3. Đặc điểm sinh trưởng

Cá có tốc độ lớn khá nhanh, hơn nhiều lần so với tăng trưởng của cá Thát lát. Cá bột ương lên cá giống sau 30 ngày có thể đạt chiều dài 7-8 cm (Lê Quang Nha, 2000). Cá một năm tuổi có trọng lượng khoảng 400-800 g. Cá nuôi 6-8 tháng là có thể đạt kích cỡ thương phẩm và đã có hiệu quả kinh tế.

Cá có kích thước khá lớn, có thể đạt tới chiều dài 80-100cm (trong khi cá Thát lát chỉ đạt tới 40cm).

1.4. Đặc điểm sinh sản

Có thể phân biệt được cá đực và cá cái theo hình dạng ngoài: Cá đực có vây bụng kéo dài quá gốc vây hậu môn; còn cá cái thì vây bụng chỉ kéo dài gần tới gốc vây hậu môn. Tuyến sinh dục của cá đực gồm hai thùy, trong đó có một thùy bị thoái hoá. Tuyến sinh dục của cá cái chỉ là một thùy lớn, giống như một cái túi. Kích cỡ trứng cá khi thành thục và sinh sản có kích thước khá lớn, tương tự kích cỡ trứng của cá Thát lát (2-2,2 mm), trứng cũng có dạng hình tròn, màu vàng, có tính dính. Cá Còm cũng có tập tính làm tổ trước khi sinh sản và đẻ trứng dính vào tổ hoặc giá thể như các bộng cây, khúc gỗ, đoạn cây tre... Trong tự nhiên, cá đẻ tập trung vào vào giữa mùa mưa tháng 5-7. Sức sinh sản của cá tương đối thấp, đạt khoảng trên dưới 1.000 trứng cho một kg cá cái. Sau khi đẻ trứng, chỉ có cá đực canh giữ tổ, đảo nước để cung cấp ôxy cho phôi phát triển, cá cái không tham gia vào việc này.

1.5. Nguồn giống tự nhiên

Cũng giống như cá Thát lát, mùa vụ sinh sản của cá Còm trong tự nhiên từ tháng 5-7, cá giống có từ tháng 8 và kéo dài đến cuối năm. Cá giống cá Còm cũng theo nước vào trong các vùng ngập, vùng trũng, ao, ruộng. Nguồn cá giống hiện nay không còn nhiều như trước đây.

II. Kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá Còm

2.1. Nuôi vỗ cá bố mẹ

2.1.1. Ao nuôi vỗ cá bố mẹ

Ao đất hoặc xây xung quanh bằng gạch hoặc bêtông xi măng, có diện tích từ 200 m2 trở lên, độ sâu nước 0,8-1 m. Ao có cống cấp và thoát nước dễ dàng, chủ động. Trong ao có thể cắm chà hoặc thả một ít bèo lục bình tạo nơi trú cho cá. Ao cần phải tát cạn, diệt tạp, rải vôi đáy ao (7-10 kg/100 m2), lấy nước vào qua lưới chắn lọc.

2.1.2. Chọn cá bố mẹ nuôi vỗ

Cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ phải có độ tuổi 1+ trở lên và kích cỡ đồng đều, từ 300 g trở lên. Cá khoẻ mạnh, không bị sây xát. Cá được tắm nước muối 2% trước khi thả nuôi.

Mật độ thả nuôi 1,5-2kg/10 m2, tỷ lệ cá đực và cá cái 1/1 hoặc 2/1.

Mùa vụ nuôi vỗ từ tháng 11-12.

2.1.3. Thức ăn cho cá bố mẹ

Cá Còm ưa thích thức ăn tươi sống, vì vậy thức ăn cho cá bố mẹ chủ yếu là cá tạp, cá vụn băm nhỏ, ốc, tép...Hàng ngày cho cá ăn 2 lần, vào buổi sáng và chiều mát. Không cho cá ăn thức ăn đã bị ươn thối. Khẩu phần ăn 5-8 % khối lượng thân cá/ngày.

Nên cho thức ăn vào sàng ăn để kiểm tra được mức ăn của cá để điều chỉnh kịp thời. Có thể trộn hoặc ngâm thức ăn thêm một số loại vitamin như vitamin C và E, mỗi loại 10 mg/1kg thức ăn.

2.1.4. Quản lý ao nuôi

Hàng tuần thay nước ao 1 lần, mỗi lần 30-50 % lượng nước trong ao. Nếu thay nước được bằng thủy triều thì thay hàng ngày sẽ đảm bảo cho môi trường ao nuôi tốt hơn.

2.2. Kỹ thuật sinh sản và ương

2.2.1. Cho cá đẻ

Cho từng cặp cá đẻ trong bể xi măng: Bể có diện tích 10 m2, độ sâu nước 0,3-0,4 m, tạo dòng nước chảy nhẹ hoặc làm mưa nhân tạo. Bể có thả thêm các loại rong thủy sinh và các khúc gỗ, bộng cây, hốc đá làm chỗ dựa cho cá cũng như giá thể để cá đẻ. Hình thức này thường tốn rất nhiều bể nên khó áp dụng khi cho cho đẻ một lúc nhiều cặp cá bố mẹ.

Cho cá đẻ trong ao: Phải tát dọn sạch ao và vét sạch bùn đáy trước khi thả cá bố mẹ cho đẻ. Trong ao cũng nên thả một số ống, khúc gỗ, đoạn tre, ống nước để làm giá thể cho cá đẻ dính trứng vào đó.

• Bước 1: Khi cá thành thục, chọn cá cái có bụng to, mềm, kiểm tra thấy hạt trứng căng tròn, đường kính trứng đạt từ 2,0-2,2 mm, bề mặt trứng còn rất ít mạch máu hoặc mạch máu đứt đoạn. Màu sắc trên thân cá đực trong lúc này chuyển màu sắc sáng vàng hơn trước và có những động tác bắt cặp với cá cái.

• Bước 2: Tiêm kích dục tố HCG (Human chorionic gonadotropin) hoặc chất kích thích sinh sản LH-RHa (Lutenizing hormon-Releasing hormon analog) cho cá. Liều lượng dùng như sau:

Giới tính cá bố mẹ Liều lượng tiêm cho cá bố mẹ

HCG (UI/kg) LH-Rha ( g/kg)

Cá cái 4.000-4.500 120-150

Cá đực 1.000-1.500 40-50

• Bước 3: Có thể áp dụng phương pháp thụ tinh tự nhiên hoặc thụ tinh nhân tạo như sau:

o Thụ tinh tự nhiên: Thả cá bố mẹ được tiêm kích dục tố hoặc chất kích thích sinh sản xuống ao. Tạo dòng nước chảy nhẹ trong ao để kích thích cá rụng trứng. Thời gian hiệu ứng của thuốc kích dục tố và chất kích thích sinh sản dao động từ 48-72 giờ, tùy thuộc vào mức độ thành thục và nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ khi cá đẻ thường dao động từ 24-25oC. Những ngày trời mưa, cá đẻ nhiều. Cá đẻ trứng dính vào các giá thể đặt dưới ao và cá đực bám theo để thụ tinh cho trứng. Cá cái đẻ trứng nhiều đợt, khi đẻ xong thì cá đực ở lại canh giữ và quạt nước để cho phôi phát triển.

o Thụ tinh nhân tạo: vuốt trứng ra chậu sạch, khô rồi mổ cá đực để lấy tinh dịch thụ tinh cho trứng. (Do không thể vuốt được tinh dịch cá đực ra ngoài, nên phải mổ để lấy buồng tinh nghiền nát rồi mới trộn với trứng để tiến hành thụ tinh). Biện pháp này tuy chủ động nhưng hao hụt cá đực nên cũng ảnh hưởng đến đàn cá bố mẹ. Trứng thụ tinh được rải lên mảnh lưới sợi và trứng bám chắc vào đó rồi đưa vào dụng cụ ấp. Âp trứng trong các dụng cụ đơn giản như thau chậu lớn (đường kính 60 cm), bể xi măng, bể composite. Nước ấp phải trong sạch, mức nước 0,2-0,3 m, có dòng chảy nhẹ và kết hợp sục khí. Thời gian ấp nở phôi cá Còm khá dài, từ 140-160 giờ (ở nhiệt độ 26-27oC). Do thời ấp kéo dài nên chú ý giữ cho môi trường nước ấp sạch để không bị nhiễm các loại nấm (đặc biệt là nấm thủy mi-Saprolegnia) và nguyên sinh động vật (Protozoa) làm hư hỏng trứng và phôi. Khi bị nhiễm nấm có thể sử dụng xanh methylen nồng độ 5ppm để diệt nấm trong bể ấp.

• Bước 4: Theo dõi và quan sát hoạt động đẻ trứng của cá và thu trứng kịp thời. Nếu cho cá đẻ trong ao, cần kiểm tra nhiều lần trong ngày để phát hiện ổ trứng và thu vớt để kịp thời đưa vào dụng cụ ấp.

Do kích thước trứng khá lớn nên cá bột mới nở đã có chiều dài 1,2-1,5cm. Lúc này cá còn dinh dưỡng bằng noãn hoàng. Từ ngày thứ 4, miệng cá bắt đầu cử động, sau đó có thể bắt được mồi bên ngoài. Từ ngày thứ 5, noãn hoàng tiêu biến và cá bơi lội tự do kiếm mồi.

4.2.2. Ương nuôi cá Còm giống

Ương nuôi cá bột lên cá giống trong bể xi măng hoặc trong giai lưới đặt trong ao.

• Ương trong bể: Sau khi cá hết noãn hoàng thì đưa cá vào trong bể. Bể xi măng có diện tích 5-10 m2, mực nước sâu 0,5-0,6 m. Phía trên bể phải có che nắng hoặc mưa. Mật độ ương 500-600 con/m2. Từ ngày thứ 5 cá bột đã có thể chủ động bắt mồi bên ngoài. Trong tuần đầu tiên, cung cấp phù du động vật (Moina, Daphnia), từ tuần thứ hai cho cá ăn trùng chỉ (Limnodrilus hoffmoistery). Hàng ngày xiphong đáy và thay nước mới cho bể (20-50 % lượng nước trong bể, tùy theo chất lượng nước trong bể). Với thức ăn như trên, sau thời gian ương 30 ngày, cá đạt chiều dài 7-8 cm, tỷ lệ sống từ 80-90 %.

• Ương cá trong giai đặt dưới ao đất:

Giai có diện tích 10-12 m2, thành giai cao 1m. Đặt giai chìm trong mức nước 0,5-0,6 m. Mật độ thả ương trong giai 600-800 con/m2 giai. Phía trên giai nên có giàn che nắng hoặc mưa cho cá. Thức ăn trong tuần đầu cũng là Moina, Daphnia và sau đó cho ăn thêm trùng chỉ và tập dần cho ăn cá tạp xay nhuyễn, tuần thứ 3 cho ăn cá và tép băm nhỏ. Trộn thêm 10g các vitamin như C,D/1kg thức ăn. Hàng ngày thay 10-20 % lượng nước ao. Thời gian ương 30-35 ngày cá có thể đạt kích cỡ 6-8 cm và chuyển sang nuôi cá thịt.

III. Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá còm

3.1. Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi cá Còm có diện tích từ 200 m2 trở lên, mức nước từ 1-1,2 m. Ao nên gần nguồn nước để việc cấp thoát nước dễ dàng. Ao được chuẩn bị kỹ như đối với ao nuôi cá Thát lát.

- Tát cạn ao, vét bớt lớp bùn đáy, chỉ để lại lớp bùn dày không quá 30 cm.

- Cắt dọn cỏ bờ, mái ao, cây cỏ trong ao, lấp hang hốc, lỗ rò rỉ. Kiểm tra và tu sửa lại cống cấp và thoát nước.

- Dùng dây thuốc cá diệt cá tạp, cá dữ và các loài địch hại của cá, lượng dùng 0,5-1 kg rễ dây thuốc cá cho 100 m3 nước.

- Rải 8-10 kg vôi bột/100m2 đáy ao, mái bờ để diệt các loài cá tạp còn sót và diệt mầm bệnh. Vùng nhiễm phèn thì bón lượng vôi cao hơn khoảng 50%. Rải vôi xong phải đảo trộn đều vôi với lớp bùn mặt ao.

- Bón phân chuồng mục để tạo thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá với liều lượng 10-20 kg cho 100 m2 ao. Hoặc bón phân vô cơ (urea 0,5 kg, lân 0,3 kg) hoặc phân hỗn hợp (N-P-K) 2 kg cho 100 m2 ao nuôi.

- Sau đó phơi đáy 2-3 ngày. Những ao ở vùng nhiễm phèn thì không nên phơi đáy.

- Lọc nước vào ao đến mực nước đạt 0,5- 0,6 m thì thả cá giống. Sau đó tiếp tục đưa nước vào ao đến khi đạt mức quy định.

3.2. Cá giống và mật độ thả nuôi

- Chọn cá giống khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, không xây xát. Tắm cá qua nước muối 2% trong 10-15 phút trước khi thả.

- Mật độ thả: Trung bình 5-10 con/m2, cỡ cá thả từ 6-8 cm. Phải thả cá giống lúc trời mát, trước khi thả cá ra ao phải ngâm bao đựng cá giống trong nước từ 15-20 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bao cá sau đó mới mở miệng bao thả cá ra.

- Thả ghép trong ao nuôi cá Còm một vài loài khác như cá mè trắng, tai tượng, cá mùi hoặc sặc rằn với tỷ lệ không quá 50% tổng số cá nuôi trong ao và cũng không thả những loài cá tranh giành thức ăn với cá Còm như rô phi, cá tra.

3.3. Thức ăn cho cá và quản lý ao nuôi

Khi cá giống mới thả xuống ao nuôi, chúng vừa sử dụng thức ăn tự nhiên trong ao vừa ăn các thức ăn khác do người nuôi cung cấp như thức ăn hỗn hợp chế biến và thức ăn tươi sống. Lượng thức ăn được tính như sau:

- Hai tuần đầu: 50g cám trộn với 50g bột cá nấu chín trộn đều cho 1.000 con cá ăn.

- Những tuần sau đó: 50% là thức ăn chế biến (cám + bột cá) và 50% thức ăn tươi sống như cá tạp cá vụn tươi, ốc, tép...

- Thức ăn tươi sống phải tươi, không bị ươn thối, băm nhỏ và rửa sạch trước khi cho ăn. Nguyên liệu của thức ăn chế biến không bị mốc, còn thời hạn sử dụng.

Ngoài ra, tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp loại nhỏ vừa kích cỡ miệng cá, hàm lượng đạm 25-30%, tỷ lệ phối hợp thức ăn viên công nghiệp khoảng 30%.

Tất cả các loại thức ăn không được trộn thêm bất kỳ loại hoá chất hay kháng sinh nằm trong danh mục cấm sử dụng. Khẩu phần thức ăn chế biến là 5-7% khối lượng cá/ngày. Khẩu phần ăn thức ăn viên công nghiệp 1,5-2 % khối lượng cá/ngày. Cho cá ăn 2- 3 lần/ngày. Kiểm tra thức ăn sau khi cá ăn để kịp thời điều chỉnh. Phải rửa sạch sàng ăn trước khi cho cá ăn.

Hàng ngày chú ý kiểm tra bờ ao,cống, kịp thời phát hiện và tu sửa bờ, lưới chắn, lấp hang hốc, đề phòng nước mưa tràn bờ.

Hàng tuần thay 30-50 % lượng nước trong ao. Khi nước ao có màu xanh quá đậm, nâu đen hoặc có mùi hôi, phải tháo nước cũ và cấp nước mới sạch cho ao.

Cá Còm cũng có thể gặp một số loại bệnh giống như cá Thát lát, như nhiễm trùng huyết do các loài vi khuẩn gây bệnh Pseudomonas, Aeromonas, Edwardlsiella. Cá nhiễm bệnh trong trường hợp nuôi mật độ quá dày, nước ao bị ô nhiễm hoặc do các tác nhân cơ học và cá bị sây xát, do hàm lượng ôxy trong nước bị giảm xuống quá thấp nên cá dễ nhiễm bệnh. Sử dụng một số kháng sinh như Oxytetracyclin, Kanamycin trộn vào thức ăn cho cá (50-70 mg/kg thể trọng cá, ăn liên tục từ 7-10 ngày).

Cá Còm cũng có thể bị các loại ký sinh trùng như trùng bánh xe (Tricho dina), trùng quả dưa (Ichthiophthyrius), các loài giáp xác ký sinh như trùng mỏ neo (Lernea) và rận cá (Argulus), sán lá đơn chủ 16 móc (Dactylogyrus), sán l1 18 móc (Gyrodactylus) hoặc nhiễm giun tròn (Philometra)

Để phòng bệnh cho cá, phải cho cá ăn đầy đủ, thức ăn đảm bảo vệ sinh, giữ môi trường nước ao nuôi sạch, đủ ôxy. Có thể điều trị cá bệnh nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng bằng một số loại thuốc sử dụng cho cá Thát lát.

3.4. Thu họach

Cá có tốc độ lớn khá nhanh, sau thời gian nuôi từ 10-12 tháng có thể đạt cỡ 700-800 g. Có thể thu họach đồng loạt khi được giá hoặc tỉa cá lớn và thả nuôi lại những cá nhỏ chưa đạt kích cỡ.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng