CS-Kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại sắn

2018-11-24 10:08:39

I. Chuẩn bị đất

Trong sản xuất, cây sắn được trồng trên nhiều loại đất khác nhau như: đất rừng mới được khai thác, đất luân - xen canh với các loại cây công nghiệp, cây thực phẩm (cây họ đậu, lúa nước) và đất hoang hóa. Tuy nhiên để sắn đạt được năng suất cao cần chọn loại đất có tiêu chuẩn là: tầng canh tác dày, không bị ngập úng, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, độ pH: 6-7, có độ dốc <15o.

Do nhu cầu để hình thành và phát triển rễ củ, cây sắn cần đất tơi xốp thông thoáng và không bị ngập úng. Vì vậy, đất trồng sắn nhất thiết phải được chuẩn bị kỹ trước khi trồng, các công việc bao gồm: Thu dọn rễ cây và tàn dư thực vật, cày - bừa (1- 2 lần) và san lấp mặt bằng. Cày sâu 30 cm, bừa 2 lượt, lên luống (ở vùng đất thấp), bổ hốc hoặc rạch hàng trồng.

Ở những diện tích đất có độ dốc lớn (> 30%) như đất đồi núi thì, không cần lên luống, không cần cày bừa mà cuốc hốc trồng trực tiếp.

Tuỳ thuộc vào địa hình để thiết kế lô thửa cho phù hợp:

- Độ dốc <4o: thiết kế theo băng luống dài.

- Độ dốc 5-10o: thiết kế theo đường đồng mức.

- Độ dốc 10-15o: thiết kế theo hình bậc thang.

  Cày sâu bừa làm nhỏ đất, sạch cỏ dại, lên luống theo mật độ quy định thuỳ thuộc vào từng loại đất.

II. Chuẩn bị giống

1. Đặc điểm các giống sắn mới

 Các giống sắn phổ biến là KM419, KM440, KM414, KM 444, KM397, KM325, KM 228, KM 390. Những giống sắn mới có ưu điểm năng suất cao, cây thấp gọn dễ trồng dày, ngắn ngày, ít bệnh nên nông dân ưa chuộng, thay bớt diện tích giống sắn chủ lực KM94 có năng suất cao ổn định, nhiều bột nhưng cây cao tán rộng khó trồng dày, dài ngày và bị nhiễm bệnh chồi rồng.

1.1. Giống: KM419 thân xanh, thẳng, nhặt mắt, không phân cành, lá già xanh đậm, đọt non màu tím, củ đồng đều, dạng củ đẹp, thịt củ màu trắng, ít nhiễm sâu bệnh năng suất củ tươi 40,2 đến 54 tấn/ha. Hàm lượng bột đạt từ 28,2 -29%

1.2. Giống: KM414 có thân màu xám trắng, phân cành cao, lá xanh, ngọn xanh, dạng củ không được ưa thích bằng giống KM419, củ màu trắng, thích hợp làm sắn lát khô và làm bột. Năng suất củ tươi đạt 42,3 đến 52,3 tấn/ha; hàm lượng bột đạt 27,8 đến 29,5%.

 1.3. Giống: KM397 có thân nâu tím, thẳng, nhặt mắt, không phân nhánh; lá xanh thẫm, ngọn xanh, củ đồng đều, dạng củ đẹp, thịt củ màu trắng, thích hợp xắt lát phơi khô và làm bột. Thời gian thu hoạch 8-10 tháng sau trồng, năng suất củ tươi 33,0 - 45,0 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27,5 – 29,6%, tỷ lệ sắn lát khô 42,5 - 44,3%, năng suất tinh bột 9,2- 13,5 tấn/ha, năng suất sắn lát khô 13,8 - 17,6 tấn/ ha. chỉ số thu hoạch 60 - 63,0%. Giống sắn KM397 chịu khô hạn tốt, rất ít nhiễm sâu bệnh, thời gian giữ bột tương đương KM94.

1.4. Giống KM444 có gốc thân hơi cong, phân cành cao. Lá màu xanh đậm, ngọn xanh nhạt. Dạng củ đẹp, thịt củ màu trắng. Đặc điểm nổi bật của giống KM444 là rất ít nhiễm sâu bệnh. Năng suất củ tươi đạt 37,5 – 48,3 tấn/ha. Hàm lượng bột đạt 28,3- 29,2%.

1.5. Giống: KM325 có thân nâu xám, nhặt mắt, phân nhánh cấp 1, lá xanh đậm, xẻ thùy sâu, ngọn xanh, củ hình dạng đẹp, đều; thịt củ màu trắng  KM325 đạt năng suất củ tươi  27,0 -58,0 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 26,2 – 27,6 %, tỷ lệ sắn lát khô 37,8 %, năng suất sắn lát khô 15,3 - 17,2 tấn/ha, nhiễm sâu bệnh nhẹ, chịu thâm canh, thích nghi sinh thái đất đỏ và đất xám Đông Nam Bộ, nhược điểm là hàm lượng tinh bột thấp và chất lượng cây giống không tốt bằng KM94, KM140.

1.6. Giống: KM228 có thân màu xanh trắng, không hoặc ít phân nhánh; lá xanh đậm, ngọn xanh nhạt, tai lá rấ rõ; củ dài, đều, vỏ củ láng, thịt củ màu trắng. Thời gian sinh trưởng 7 - 10 tháng. Năng suất củ tươi trong khảo nghiệm đạt 35 – 47 tấn/ ha, hàm lượng tinh bột 26 – 27%.

1.7. Giống sắn KM390: Đặc điểm giống: HB60* (KM390) có thân nâu xám, ít phân nhánh, lá xanh, ngọn xanh; thịt củ màu trắng, tai lá rõ. Thời gian thu hoạch 8 -10 tháng sau trồng, năng suất củ tươi khảo nghiệm tại Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước  đạt 33,0 – 40,0 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27,0- 27,9 %, tỷ lệ sắn lát khô 38,2 %, năng suất sắn lát khô 12,0 tấn/ha. Giống sắn HB60* (KM390) thích nghi sinh thái đất đỏ và đất xám vùng Đông Nam Bộ, nhiễm nhiều bệnh đốm nâu lá.

 1.8. Giống sắn KM 140: Thân xanh, thẳng, ngọn xanh, cây cao vừa phải, không phân nhánh. Năng suất củ tươi: 33,4 – 35,0 tấn/ha. Tỷ lệ chất khô: 34,8 – 40,2%.  Hàm lượng tinh bột: 26,1- 28,7%.  Năng suất bột : 9,5 -10,0 tấn/ha. Chỉ số thu hoạch: 58 -65 %. Thời gian thu hoạch: 8-10 tháng.

1.9. Giống sắn KM 98-5: Thân xanh, hơi cong ở gốc, ngọn xanh, ít phân nhánh. Giống sắn KM98-5 có cây cao hơn và dạng lá dài hơn so với KM419. Năng suất củ tươi: 34,5 tấn/ha. Tỷ lệ chất khô: 39,2%. Hàm lượng tinh bột: 28,5%. Năng suất bột : 9,8 tấn/ha Chỉ số thu hoạch: 63 %.Thời gian thu hoạch: 8-10 tháng.

1.10. Giống sắn KM98-1 : Thân xanh, tai lá rõ, lá xanh, cọng tím. Năng suất củ tươi: 32,5 – 40,0 tấn/ha. Tỷ lệ chất khô: 35,8%. Hàm lượng tinh bột: 27,2- 28,3 %. Năng suất bột : 8,9 tấn/ha. Chỉ số thu hoạch: 66 %. Thời gian thu hoạch: 8-10 tháng.

1.11.Giống sắn SM 937-26:  Thân nâu đỏ, thẳng, không phân nhánh.  Năng suất củ tươi: 32,5 tấn/ha.  Tỷ lệ chất khô: 37,9%. Hàm lượng tinh bột: 28,9%. Năng suất bột : 9,4 tấn/ha. Chỉ số thu hoạch: 61 %. Thời gian thu hoạch: 8-10 tháng.

1.12. Giống sắn KM 94: Thân xanh, hơi cong, ngọn tím, không phân nhánh. Năng suất củ tươi: 33,0 tấn/ha. Tỷ lệ chất khô: 35,1- 39.0%. Hàm lượng tinh bột: 28,7%. Năng suất tinh bột: 7,6-9,5 tấn/ ha. Chỉ số thu hoạch: 58 %. Thời gian thu hoạch: 9-11 tháng.

 2. Chuẩn bị hom giống

- Giống sắn để trồng trên diện rộng hoặc sản xuất đại trà lấy từ những ruộng sản xuất tốt hoặc các ruộng nhân giống riêng (nếu có), tuổi của cây sắn trong các ruộng này đạt từ 8 tháng trở lên. Cây sắn dùng làm giống phải khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh, nhặt mắt (không buông lóng), khi chuẩn bị hom giống nên loại bỏ những cây giống bị khô (không có nhựa mủ) và bị trầy xước trong quá trình vận chuyển

-  Hom sắn để trồng lấy từ đoạn giữa thân cây sắn, mắt thân cây phải dày, hom bánh tẻ, có đường kính từ 2-3 cm, chiều dài của hom sắn trồng sản xuất là 15- 20cm, đạt tối thiểu là 6 - 8 đốt, không nên chặt hom quá ngắn hoặc quá dài, những hom sắn mầm ngủ thể hiện không rõ phải được loại bỏ.

- Khi chặt hom dùng các loại dụng cụ sắc- bén để chặt và tránh làm cho hom bị thương tổn về mặt cơ giới như trầy vỏ hoặc dập phần thân gỗ của hom. Cắt vát hom tạo chu vi vết cắt lớn và có thể cắt phụ thêm phần cuối hom để tạo điều kiện ra nhiều rễ.

- Sau khi chặt hom, tốt nhất là đem trồng ngay, trong trường hợp chưa trồng được thì có thể áp dụng một trong các biện pháp sau để bảo quản hom:

+ Thời gian bảo quản cây giống không quá 60 ngày (tính từ khi thu hoạch), sau khi thu hoạch vận chuyển và bảo quản ngay tại những nơi khô ráo và có bóng mát.

+ Có nhiều cách để bảo quản khác nhau như: bó từng bó để nằm hoặc dựng đứng cây giống trong bóng râm, cắm thẳng từng cây xuống đất theo từng cụm từ 500 - 1000 cây/cụm, dùng bẹ chuối buộc xung quanh bó hom, dựng đứng hom và phủ rơm, rạ lên trên.

 Trong thời gian bảo quản cây giống có thể bị rệp sáp hoặc các loại côn trùng tấn công, vì  thế có thể sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng để phòng trừ.

+ Để tránh cho hom giống bị sâu bệnh phá hoại nên xử lý hom giống trước khi trồng bằng cách nhúng vào các hỗn hợp thuốc diệt nấm và côn trùng thông dụng hoặc rải thuốc trừ côn trùng theo hàng và hốc trước khi đặt hom sắn.

+ Trước khi trồng, cần xử lý hom: Ủ hom ở nhiệt độ 50-600C, ẩm độ 70-80% từ 1-2 ngày để kích thích hom nảy mầm và ra rễ trước khi trồng.

III. Thời vụ trồng

Sắn là cây trồng của vùng nhiệt đới ẩm. Sắn cần ánh sáng ngày ngắn để tạo củ. Nhiệt độ trung bình thích hợp cho sắn từ 23-27oC. Lượng mưa trung bình năm thích hợp đối với sắn trong khoảng 1000 –2000 mm. Thời vụ trồng sắn tùy thuộc nông lịch cụ thể của từng địa phương. Các giống sắn công nghiệp trồng để lấy bột thường thu hoạch 8-12 tháng sau trồng. Các giống sắn ngọt trồng để ăn tươi thì có thể thu hoạch rãi rác từ 6- 9 tháng. 

Sắn được trồng vào hai vụ trong năm: Cuối tháng 1 đến hết tháng 3 và vào tháng 9-10 hàng năm. Nên tranh thủ trồng sớm khi đất đủ ẩm độ, không nên trồng vào các thời điểm có mưa nhiều hoặc khô hạn làm giảm khả năng mọc mầm của hom sắn (do ẩm độ đất cao hoặc thấp, nhiệt độ thấp dẫn đến hom sắn nảy mầm kém, rễ sắn hô hấp kém, các tác nhân nấm - bệnh và côn trùng dễ tấn công và gây hại cho hom sắn).

IV. Phương pháp trồng

Trồng hom nằm ngang trên những diện tích đất tương đối bằng phẳng, ở những diện tích đất có mưa nhiều thoát nước kém, đất lòng hồ, đất bán ngập có thể kéo luống hoặc lên liếp để trồng với các phương pháp trồng hom xiên hoặc hom đứng.

 Có thể trồng theo hai phương pháp sau :

- Đặt hom nghiêng 15-30o, lấp 3/4 độ dài của hom.

- Cắm hom thẳng đứng, phần cắm xuống đất chiếm khoảng 1/3 chiều dài của hom. phương pháp này đang được dùng phổ biến cho các vùng trồng sắn nguyên liệu ở Thái Lan.

Lưu ý: Cắm đúng phần gốc xuống dưới, phần ngọn lên trên.

Chỉ nên đặt hom nằm ngang hoặc xiên (không nên đặt thẳng đứng vì ít ra rễ và khó thu hoạch), sau đó lấp đất. Sau khi trồng 10-15 ngày, cần dặm những hom chết không nảy mầm.

V. Khoảng cách, mật độ trồng và trồng xen

1. Khoảng cách và mật độ trồng

Tuỳ theo đất với nguyên tắc chung là “đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày, sắn cây cao to trồng thưa, sắn cây thấp gọn trồng dày, đất xấu cần đầu tư nhiều phân hơn so với đất tốt”.

- Đất tốt:  Khoảng cách trồng 1,0 m x 0,8 m, mật độ 12.500 cây/ha.

- Đất trung bình: Khoảng cách trồng 0,9 m x 0,8 m, mật độ 13.888 cây/ha.

- Đất nghèo:  Khoảng cách trồng 0,8 m x 0,8 m, mật độ 15.620 cây/ha hoặc 0,8 m x 0,7 m, mật độ 16.286 cây/ha. 

2. Trồng xen

- Đối với vùng đất tốt, có thể trồng xen một hàng ngô lai giữa hàng sắn, khoảng cách xen 1,00m x 0,40m x 1 cây.

- Đất trung bình: Xen hai hàng đậu xanh hoặc lạc giữa hai hàng sắn, khoảng cách xen 0,30 m x 0,15m x 2 cây/hốc.

- Đất bằng (độ dốc < 8%) trồng xen lạc, đậu xanh hoặc một số cây họ đậu. Giữa 2 hàng sắn xen 2 hàng lạc hoặc 2 hàng đậu xanh, khoảng cách giữa 2 hàng sắn là 1.0 - 1.2m; giữa 2 hàng lạc và đậu xanh là 0.25 - 0.30m và giữa 2 cây lạc và đậu xanh là 0.15 - 0.20m.

- Đất dốc (độ dốc > 8%) nên trồng cỏ Vetiver làm hàng rào chắn theo đường đồng mức, khoảng cách giữa các hàng rào là 10 - 20m.

VI. Chăm sóc

1. Dặm hom

Sau khi trồng 15-20 ngày cần kiểm tra, nếu hom nào không mọc mầm thì dặm ngay. Những hom đã mọc mầm tỉa bớt mầm, chỉ để 2-3 mầm/cây.

2. Làm cỏ, chăm sóc

- Sự dụng thuốc hóa học trừ cỏ:

+ Phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm Dual, phun ngay sau khi trồng, đảm bảo lượng nước phun và ẩm độ đất đủ cho thuốc có thể thấm xuống đất từ 2 - 3cm.

+ Có thể kết hợp giữa làm cỏ bằng tay và phun thuốc: làm cỏ bằng tay 1 lần sau khi trồng từ 25 - 30 ngày, sau khi làm cỏ xong phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm Dual.

- Làm cỏ bằng tay:

+ Lần 1: khi mầm sắn cao 15-20cm: làm sạch cỏ, xới tơi đất.

+ Lần 2: sau khi cây sắn mọc mầm 40-45 ngày: làm sạch cỏ kết hợp với bón thúc phân lần một.

+ Lần 3: sau khi cây sắn mọc mầm 70-75 ngày: làm cỏ, vun gốc kết hợp bón thúc phân lần hai. Sau đó sắn khép tán, không cần làm cỏ nữa.

3. Tưới nước

Tuy sắn là cây có khả năng chịu hạn và nhu cầu nước ít hơn các cây trồng khác, nhưng giai đoạn đầu đất cần phải đủ ẩm, nếu gặp hạn cần phải tổ chức tưới.

4. Bón phân

*Quy trình bón phân thúc 2 lần

Lượng phân cho 1 ha : Phân chuồng 8.000 - 10.000 kg, , vôi 500 - 1.000kg, đạm urea 120-150 kg, lân super 200 – 240 kg, kali clorua 100-120 kg.

Lần bón

Thời gian bón

Loại phân

Lượng phân (kg/ha)

Biện pháp kỹ thuật

Ghi chú

Lót

Trước khi trồng

Phân chuồng

(hữu cơ)

8.000 - 10.000

Bón khi cày bừa hoặc bón theo hàng hay hốc trước khi trồng

 

 

 

Phân lân

200 – 240

 

 

 

Vôi

500 - 1.000

Nếu đất chua

Thúc 1

40 – 45 Ngày sau mọc mầm

Ure

60 - 80

Làm cỏ, xới xáo

 

 

 

Kali

50 – 60

 

Thúc 2

70 – 75 Ngày sau mọc mầm

Ure

60 – 70

Làm cỏ, xới xáo

 

 

 

Kali

50 - 60

 

*Quy trình bón phân thúc 3 lần

Lượng phân cho 1 ha : Phân chuồng 8.000 - 10.000 kg, , vôi 500 - 1.000kg, đạm urea 150 kg, lân super 240 kg, kali clorua  120 kg.

Lần bón

Thời gian

bón

Loại phân

Lượng phân (kg/ha)

Biện pháp kỹ thuật

Ghi chú

Lót

Trước trồng

Phân chuồng

(hữu cơ)

8.000 - 10.000

Bón khi cày bừa hoặc bón theo hàng hay hốc trước khi trồng

 

Phân lân

  240

 

Vôi

500 - 1.000

Nếu đất chua

Thúc 1

15 – 20 NST

Ure

60

Làm cỏ, xới xáo

 

Kali

40

 

Thúc 2

35 – 40 NST

Ure

60

Làm cỏ, xới xáo

 

Kali

40

 

Thúc 3

70 – 90 NST

Ure

30

Làm cỏ, xới xáo

 

Kali

40

 

- Thời điểm bón phân: bón phân khi đất có đủ ẩm độ, tránh bón vào lúc trời nắng hoặc đang mưa lớn. Bón phân đạm và phân kali bón theo hốc (cuốc hốc cách gốc hoặc hom sắn 15cm rải đều phân xuống và lấp lại).

VII. Quản lý tổng hợp dịch hại sắn

1. Rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti

1.1. Đặc tính sinh học

Trứng thuôn hình chữ nhật, màu hồng vàng, trong các túi trứng bao phủ kín bằng lông mịn và nằm ở điểm cuối phía sau của trưởng thành cái. Kích thước trứng: Chiều dài: 0,30-0,75mm; chiều rộng: 0,15-0,30mm.

Rệp non: Râu đầu của rệp non tuổi 1 có 6 đốt,  của rệp non các tuổi tiếp theo có 9 đốt.  

Rệp trưởng thành cái cơ thể có dạng hình trứng, màu hồng và bao phủ bởi lớp sáp bột màu trắng; mắt hơi lồi; chân rất phát triển và kích thước như nhau. Sự phân chia các phần của cơ thể rệp sáp hồng rất rõ ràng. Các đốt của cơ thể mang các sợi tơ sáp trắng rất ngắn ở phần bên và đuôi ở dạng phồng lên, chính điều này làm cho cơ thể rệp nhìn như có gai bên (nhìn từ bên ngoài). Râu đầu thường có 9 đốt, đôi khi có 7 hoặc 8 đốt.

1.2. Triệu chứng và tác hại

Rệp sáp bột hồng tấn công điểm sinh trưởng của cây sắn, gây hiện tượng chùn ngọn. Ngọn chính bị gây hại dẫn đến cây sắn trở nên lùn.

Bị nhiễm với mật độ cao, cây sắn có thể bị rụng toàn bộ lá làm giảm năng suất củ sắn tới 80-85%.

Ngoài sắn, Rệp sáp  hồng còn được phát hiện thấy gây hại trên cây cao su và một số cây trồng khác.

1.3. Cơ chế lan truyền

Rệp sáp bột hồng tồn tại trên tất cả các bộ phận của cây sắn (gốc, thân, lá, điểm sinh trưởng). Rệp mới nở dễ dàng bị cuốn theo gió.

Rệp sáp bột hồng lây lan qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ, và phương tiện vận chuyển…

1.4. Biện pháp phòng trừ

* Biện pháp kiểm dịch thực vật

- Giám sát chặt chẽ công tác nhập khẩu giống sắn từ các nước vào Việt Nam.

- Tuyệt đối không vận chuyển hom giống sắn đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng từ vùng này sang vùng khác để trồng.

- Nếu phát hiện hom giống bị nhiễm rệp sáp bột hồng lập tức xử lý lô hàng, hom giống theo quy định pháp lệnh BVTV và KDTV.

* Biện pháp canh tác và cơ giới

- Chuẩn bị đất tốt và khô trước khi trồng 2 tuần.

- Chuẩn bị hom giống sạch không bị nhiễm rệp.

- Dọn sạch cỏ dại, gốc sắn sau thu hoạch tránh rệp sáp bột hồng còn tồn tại trên ruộng sắn.


Xem thêm







CS-Giống sắn đa dụng BK

Giống sắn BK do các nhà khoa học Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm chọn tạo, được Bộ NN - PTNT công nhận, cho sản xuất thử từ tháng 10/2016.






Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng