Các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản

2019-12-13 09:05:05

Dự báo mùa đông năm nay sẽ khắc nghiệt, rét đậm, rét hại kéo dài, thậm chí xuất hiện hiện tượng tiêu cực như sương muối, băng giá và mưa tuyết. Do vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp thì bà con nông dân cần lưu ý các biện pháp phòng chống rét sau đây:
1. Đối với lúa, cây rau, màu
Đối với mạ, lúa

 -Tuyệt đối không gieo mạ khi nhiệt độ dự báo thấp hơn 15 độ C.  
- Không trộn phân đạm đơn hoặc phân NPK có hàm lượng đạm cao vào bùn, giá thể gieo mạ. Chỉ nên trộn lân Suppe để chống rét và tăng cường ra rễ.
- Đối với những ruộng mạ mới gieo:
+ Làm khum vòm phủ kín bằng nilon trắng để chống rét cho mạ. Như vậy nhiệt độ trong luống mạ cao hơn nhiêt độ bên ngoài 5 - 6 độ C.
+ Luôn giữ nước ở rãnh mạ, tuyệt đối không để mạ bị khô, nứt nẻ.
+ Rắc tro bếp mục lên trên mặt luống để giữ ấm cho mạ.
- Đối với mạ đã lên xanh tốt:
+ Đưa nước vào ngập 1/3-1/2 cây mạ đối với mạ dược và tưới ẩm đối với mạ sân.
+ Tuyệt đối không bón đạm, mạ càng non, càng xanh càng dễ chết rét.
+ Phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như: KH, PenacP… để tăng khả năng chống chịu cho mạ.    
+ Khi nhiệt độ tăng trên 15 độ C bà con cần tiến hành mở dần nilon 2 đầu luống để mạ quen dần với nhiệt độ bên ngoài
+ Trước cấy 2 - 3 ngày phải mở hết nilon để mạ được tôi luyện với môi trường tự nhiên.
+ Cấy khi mạ đã hồi phục, ra rễ trắng và đủ tuổi. 

 Che phủ nilon phòng, chống rét cho mạ vụ chiêm.

Lưu ý: Bà con nên dự phòng giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn để sẵn sàng gieo cấy bổ sung cho những diện tích mạ, lúa mới cấy bị chết rét.
Đối với rau màu
- Những rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch ngay.
- Bón thêm phân kali, phân lân, giảm bón phân đạm. Phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như KH, PenacP… để tăng cường khả năng chống rét.
- Những ngày có sương muối giá buốt bà con dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun trên mặt lá vào buổi sáng để làm rụng, tan hạt sương.
- Đảm bảo tưới đủ ẩm cho cây trong những ngày rét đậm.
- Đối với cây lạc, đậu tương, ớt, ngô không gieo trồng khi nhiệt độ thấp dưới 13 độ C.
- Cần phòng, trừ bệnh mốc sương, mốc xám, thán thư cho cây rau màu. Bà con có thể dùng các loại thuốc nội hấp: Alpine 80WP nồng độ 0,3%; Ridomin MZ 72 WP nồng độ 0,2-0,3%; dung dịch Boocdo 1-1,5%… phun phòng khi trời âm u, mưa phùn.
2. Đối với vật nuôi
- Sử dụng rơm rạ, cỏ khô lót chuồng cho đàn trâu bò.
- Những ngày nhiệt độ dưới 150C nên giữ gia súc ở tại chuồng, không nên chăn thả.
- Chỉ đưa gia súc ra ngoài sau 8 giờ sáng, khi thời tiết không có mưa phùn, gió lạnh.
- Khi nhiệt độ xuống thấp cần mặc áo chống rét cho trâu bò. Với một chiếc áo, có thể sử dụng trong suốt mùa.
- Đối với trâu, bò những ngày rét đậm, rét hại cần tăng lượng thức ăn tinh khoảng 2kg so với ngày bình thường.
Chú ý: Cho trâu bò ăn thức ăn thô trước rồi mới ăn thức ăn tinh và uống nước để trâu bò ăn thức ăn thô nhiều hơn.
- Bổ sung thêm muối khoáng, vitamin cho vật nuôi để tăng cường sức đề kháng.
- Pha muối với nước ấm 37 - 38 độ C cho gia súc, gia cầm uống.
- Sử dụng những vật liệu như bạt, phên nứa, bao tải...để che chắn tránh gió lùa, mưa hắt. Tránh để nền trại ẩm ướt, lầy lội.
- Vào những ngày mưa, ẩm không khí tăng cao trên 90% nên dùng quạt để thông gió, tạo thông thoáng cho chuồng nuôi.
- Dự trữ củi, trấu, mùn cưa ... để đốt, sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.
- Thực hiện tiêm các loại vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo quy định. 
- Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải vật nuôi tránh dịch bệnh.
3. Đối với thủy sản 
- Thường xuyên theo dõi diến biến thời tiết, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý phù hợp.
- Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, nhất là những loài cá có khả năng chịu rét kém cần thu hoạch sớm trước khi rét đậm, rét hại xảy ra.
- Đối với diện tích thủy sản đang nuôi, bà con cần áp dụng một số các biện pháp chống rét sau:
+ Đảm bảo mực nước ao nuôi từ 1,5 - 2m trở lên.
+ Trong ao nuôi nên đào hố sâu 2,5 - 3m, rộng 2 - 3m ở nơi khuất gió hoặc phía Bắc để cho cá rút xuống trú đông.
+ Sử dụng sọt đan bằng tre, nứa có chứa các búi rơm làm ổ dìm dưới đáy ao ở phía Bắc để làm nơi trú ẩn và chống rét cho cá.
+ Trên mặt ao thả bèo kín 1/2 ao về phía Bắc, nếu có điều kiện có thể dùng nylon phủ kín mặt ao.
+ Cho thủy sản ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng. Khi nhiệt độ nước ao nuôi thấp hơn 15 độ C thì ngừng cho cá ăn.
+ Bổ sung thêm vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản.
+ Định kỳ 7 – 10 ngày dùng vôi bột hoặc hóa chất như Lodine, Vicato… để xử lý môi trường và phòng bệnh cho thủy sản nuôi.

Cổng Nông Dân


Xem thêm












Cộng Ngay 10.000 Cho 100% Khách Hàng