Kiên Giang: Đặt hàng 1,5 tỷ đồng nghiên cứu con "trời ơi" gây hại cá nuôi lồng bè

2020-08-14 14:49:56

Những năm gần đây, tại các vùng nuôi cá lồng bè trên biển ở tỉnh Kiên Giang xuất hiện loại sinh vật lạ (do chưa được định danh nên ngư dân gọi là “con trời ơi”) gây chết hàng loạt cho cá nuôi. Đến nay, cơ quan chuyên môn vẫn chưa định danh, phân loại, xác định đặc điểm sinh học cũng như đề ra biện pháp khoa học để phòng và trừ hiệu quả loại sinh vật lạ này.

Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang, thực tế ghi nhận từ năm 2016 cho đến nay, sinh vật lạ đã xuất hiện nhiều lần, tại một số khu vực nuôi cá lồng bè trên biển của tỉnh Kiên Giang. Hàng năm, loại sinh vật lạ này xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch. Chúng thường nổi lên trên mặt nước vào ban đêm, đến khi trời sáng thì lặn mất. 
Nhiều bà con nuôi cá lồng bè ở các xã đảo Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du, An Sơn (huyện Kiên Hải) cho biết, loại sinh vật lạ này nổi lên từ đáy biển, có hình dạng như giun đất nhưng nhiều tơ, kích thước khoảng 3 - 5 cm. Chúng không ký sinh trên cá mà chỉ bám quanh các lồng bè và tạo ra một loại nhớt có mùi hôi tanh phủ kín mặt nước. Điều này làm giảm lượng nước lưu thông trong lồng nuôi và khiến lượng ôxy trong nước giảm. Vì vậy, những loại cá có nhu cầu ôxy cao, sống tầng nước mặt sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí chết hàng loạt. 

“Con trời ơi” - là sinh vật lạ chưa được định danh, thường xuất hiện và gây chết hàng loạt đối với cá nuôi lồng bè trên biển quanh các đảo ở tỉnh Kiên Giang. 
 

Điều đáng lo hơn nữa là, mặc dù các nhà khoa học lấy mẫu đi nghiên cứu, thế nhưng đến nay vẫn chưa biết loài sinh vật lạ gây hại đó là loài gì. 
Để nhanh chóng tìm ra giải pháp hạn chế tác hại của sinh vật lạ đến cá nuôi lồng bè, Sở NN&PTNT Kiên Giang đã có công văn gửi Sở KH-CN tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu định danh, khảo sát chu kỳ xuất hiện và đề xuất giải pháp hạn chế tác hại của sinh vật lạ – “con trời ơi” đến nghề nuôi cá lồng bè quanh các đảo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Mục tiêu của đề tài:
- Tiến hành thu thập mẫu vật (mỗi đợt xuất hiện sẽ thu thập từ 10 – 15 mẫu). Sau đó sẽ gửi mẫu vật đến các Viện, Trường để nghiên cứu, định danh được sinh vật lạ. 
- Xác định thời gian và địa điểm sinh vật lạ thường xuất hiện, cũng như nghiên cứu đặc điểm sinh học để có giải pháp phòng trừ hiệu quả.
- Mở lớp tập huấn cho bà con nuôi cá lồng bè tại các xã đảo nắm bắt được thời gian xuất hiện, địa điểm hay xuất hiện và các giải pháp phòng trừ hiệu quả đối với sinh vật lạ.
Thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu là 3 năm (từ 2021 – 2023). Tổng kinh phí thực hiện đề tài là 1,5 tỷ đồng và được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh.
Các chuyên gia thủy sản khuyến cáo, bà con nuôi cá lồng bè trên biển theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình môi trường nước vùng nuôi cũng như thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và ứng phó kịp thời. Hàng tuần vệ sinh lưới lồng, bổ sung thêm vitamin C, khoáng vi lượng vào thức ăn cho cá nhằm nâng cao sức đề kháng, tăng trưởng.
Nên phân công người trực canh bè vào ban đêm, nhất là những ngày có con nước. Trong trường hợp có “sinh vật lạ” xuất hiện dày đặc, tiến hành sục khí trong lồng nuôi để cung cấp thêm ôxy cho cá, dùng quạt nước xua đuổi “sinh vật lạ” ra khỏi vùng bè nuôi cá và tạo dòng chảy, cũng như tăng sự lưu thông của nước.

Cổng Nông Dân 


Xem thêm