Hướng dẫn mới về thuế thu nhập doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp

2019-11-25 15:30:34

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp để áp dụng thuận lợi, thống nhất trong thực tiễn.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, Thông tư hiện hành của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 02/8/2014 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2014 trở đi (sau đây gọi là Thông tư 78)
Kể từ khi ban hành đến nay, để đáp ứng kịp thời những phát sinh từ thực tiễn quản lý và nhu cầu cải cách thủ tục hành chính thuế TNDN, Bộ Tài chính đã ban hành 6 Thông tư sửa đổi, bổ sung liên quan đến nội dung tại Thông tư 78.
Để áp dụng thuận lợi, thống nhất, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế TNDN thay thế Thông tư số 78/2014/TT-BTC và các nội dung sửa đổi, bổ sung tại 6 Thông tư.
Phương pháp tính thuế                                   
Theo quy định hiện hành thì: “Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế trừ đi phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ (nếu có) nhân với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.”
Nhưng tại dự thảo, phương pháp tính thuế được đề xuất như sau: Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam đối với các nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp đầu tư chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam.
Thu nhập được miễn thuế
Đối với thu nhập được miễn thuế, dự thảo nêu rõ gồm: Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.
Thu nhập từ trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, nuôi trồng nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp được miễn thuế quy định tại khoản này là thu nhập từ sản phẩm do doanh nghiệp, hợp tác xã tự trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng đánh bắt, chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường (không bao gồm trường hợp hợp tác xã, doanh nghiệp có mua lại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản).
Doanh nghiệp, hợp tác xã phải hạch toán riêng thu nhập thuộc diện miễn thuế quy định tại khoản này. Trường hợp không hạch toán riêng được thì thu nhập miễn thuế từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng nông sản, thủy sản được phân bổ theo tỷ lệ chi phí sản xuất của khâu trồng trọt, khai thác, sơ chế sản phẩm thông thường trong tổng chi phí của toàn hợp tác xã, doanh nghiệp (bao gồm cả chi phí quản lý, chi phí bán hàng) trong kỳ tính thuế.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cao su được miễn thuế đối với thu nhập từ hoạt động trồng trọt, khai thác mủ tươi. Trường hợp không hạch toán riêng được thu nhập từ hoạt động trồng trọt, khai thác mủ tươi thì thu nhập miễn thuế được phân bổ theo tỷ lệ chi phí trồng trọt, khai thác mủ tươi trong tổng chi phí của toàn doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo baochinhphu.vn


Xem thêm