Hơn 10.000ha lúa nguy cơ mất trắng: đổ mồ hôi, sôi nước mắt vẫn thua ông trời

2020-10-15 17:25:39

Do ảnh hưởng thời tiết mưa bão những ngày qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang chịu thiệt hại nặng nề. Hơn 10.000ha lúa trên địa bàn tỉnh bị đổ ngã và xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông. Trong đó, huyện Vĩnh Thuận là nơi chịu thiệt hại nặng nhất với hơn 80% diện tích. Nguy cơ mất mùa đã hiện hữu ngay trước mắt.

Vụ lúa hè thu năm 2020, nông dân toàn huyện Vĩnh Thuận gieo sạ với diện tích gần 4.000ha, tập trung nhiều nhất ở Vĩnh Bình Bắc và Tân Thuận. Giống lúa được bà con gieo sạ chủ yếu là Đài thơm 8 và giống OM. Trong đó, giống Đài thơm 8 được cho là ít bị sâu bệnh gây hại hơn các giống khác.

Thế nhưng vụ hè thu năm nay, khi vào giai đoạn trổ chín, nhiều diện tích gieo trồng lúa Đài thơm 8 lại xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông. 

Anh Nguyễn Thanh Phong, ấp Kinh 1, xã Tân Thuận, có 50 công ruộng trồng giống Đài thơm 8. Anh Phong cho biết, mọi năm giống lúa này được mùa được giá, năm vừa rồi anh thu hoạch được 8 - 9 tấn/ha. Năm nay giá đang tốt thì lúa lại bị gãy cổ đến 80 - 90%. Tình hình này có thể mất trắng. 

Nhiều diện tích lúa bị đổ ngã do mưa bão. Ảnh: nhandan.com.vn

Cùng tâm trạng với anh Phong, ông Trần Văn Hồng, ấp Kinh 1A, xã Tân Thuận, cũng lắc đầu nói: “tôi làm 3ha lúa, hồi đầu vụ tới giờ lúa rất tốt. Bà con thấy lúa chuẩn bị trổ nên xịt ngừa đạo ôn. Có người xịt 7- 8 lần nhưng không biết nguyên nhân sao nó đều gãy cổ hết. Chắc còn khoảng 20% là mừng rồi chứ không hơn nữa”.

Trước tình cảnh này, nhiều nông dân vẫn cố gắng phun xịt thuốc trừ đạo ôn cổ bông, hy vọng cứu vớt được phần nào diện tích lúa còn lại. 

Được biết, giống Đài Thơm 8 có đặc tính là thời gian sinh trưởng ngắn (90 - 95 ngày); cây thấp và cứng cây nên chống đổ ngã tốt. Cây đẻ nhánh khỏe, bông hữu hiệu nhiều, độ kết hạt dày; chịu được phèn, mặn và chống chịu sâu bệnh khá tốt. Năng suất giống lúa Đài thơm có thể đạt từ 7 - 9 tấn/ha, chất lượng cơm gạo được đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, vụ hè thu năm nay, khâu vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất cũng được nông dân hết sức chú trọng. Công tác gieo sạ được thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn. Tuy nhiên, đến giai đoạn trổ thì gặp những trận mưa bão kéo dài, nông dân không kịp trở tay với dịch bệnh. Nhiều nông dân còn tặc lưỡi: “đổ mồ hôi, sôi nước mắt vẫn thua ông trời”.

Cổng Nông Dân


Xem thêm