Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực, sản phẩm nông nghiệp nào được hưởng lợi?

2020-08-06 13:58:45

Từ 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Ngành nông nghiệp dự báo sẽ có cơ hội trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta. 

Nhiều mặt hàng nông sản được hưởng lợi khi Hiệp định EVFTA có hiệu lục

Cơ hội lớn
Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng nông sản chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan.
Các cam kết cụ thể đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam vào EU như sau:
Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn/năm. Đối với cá viên, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 500 tấn/năm.
- Gạo: EU đã đưa ra hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam với hạn mức hàng năm là 80.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Riêng mặt hàng gạo tấm sẽ không còn hạn ngạch nữa và sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm. Điều này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu tới 100.000 tấn gạo tấm vào thị trường EU hàng năm. Đồng thời, EU sẽ đưa thuế suất của các sản phẩm từ gạo về 0% sau 3 – 5 năm. Tuy nhiên, EU cũng đưa ra các yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng và an toàn thực phẩm cao.
- Đường: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn/năm đối với đường trắng và 10.000 tấn/năm đối với sản phẩm chứa đường trên 80%.
- Mật ong: Sản phẩm mật ong sẽ được EU xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
- Các sản phẩm khác: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 30.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn), 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 07 năm), 400 tấn tỏi và 350 tấn nấm mỗi năm.
- Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.” (*)
Ở một khía cạnh khác, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ giúp ngành chế biến nông sản phát triển. Vì vậy,  sẽ thêm việc làm giúp người nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân.
Nhìn về dài hạn, theo các chuyên gia kinh tế, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà nông nghiệp Việt Nam còn yếu kém như: công nghệ cao trong nông nghiệp và chế biến nông sản.

Thách thức
Việt Nam đã ký kết Hiệp định, điều đó có nghĩa, Việt Nam đã bước vào sân chơi thương mại lớn nhất toàn cầu. Bên cạnh cơ hội, có cả những thách thức không nhỏ đối với nền nông nghiệp nước ta.
Việt Nam vẫn là một nước có nền nông nghiệp kém phát triển so với các nước tiên tiến trên thế giới cả về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, phần lớn nông dân sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm còn yếu kém và giá thành sản xuất còn cao nên việc cạnh tranh với các sản phẩm nông sản nhập khẩu của các nước sẽ rất khó khăn.Vì vậy, cần phát triển liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu để tạo ra hàng hóa sản lượng lớn, chất lượng cao và đầu tư chế biến sâu thì mới tận dụng được cơ hội này.

Kênh tư vấn về EVFTA cho doanh nghiệp ĐBSCL
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ĐBSCL tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời giúp doanh nghiệp tận dụng những cơ hội từ EVFTA một cách hữu hiệu, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh Cần Thơ thành lập cổng thông tin, tư vấn trực tuyến cho Doanh nghiệp ĐBSCL về EVFTA. Cổng thông tin tư vấn này chính thức ra mắt vào ngày 31/7/2020.
Quy trinh vận hành của Cổng thông tin như sau:
Doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân sẽ tìm hiểu những thông tin, cũng như đặt câu hỏi thông qua mục "Tư vấn trực tuyến EVFTA" (https://www.vccimekong.com/vi/cac-cau-hoi-thuong-gap) hoặc gửi email trực tiếp qua địa chỉ: banthuky.mkpc@gmail.com.
Sau khi tiếp nhận những thắc mắc, VCCI sẽ gửi cho các chuyên gia trong hội đồng tư vấn trả lời và phản hồi doanh nghiệp trong vòng 3 ngày làm việc. 
Đối với những nội dung đặc biệt, cần nghiên cứu chuyên sâu để trả lời, VCCI sẽ tổ chức tư vấn trực tuyến để chuyên gia trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp.
Những vấn đề doanh nghiệp quan tâm cần phổ biến rộng rãi, đơn vị sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề online.

(*) Tham khảo bài viết: Khoảng 85,6% dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam vào EU giảm từ ngày 1/8 của vtv.vn, ngày 31/7/2020.

Cổng Nông Dân 

Ý kiến bạn đọc ()
Phạm Văn Đức
07/08/2020 20:08

Tôi là một nông dân ở vùng nông thôn, nơi đây có nhiều mật ong rừng tốt tôi muốn tham gia thị trường được chứ ạ

Trả lời


Xem thêm