Dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, người nuôi nên “kiên nhẫn chờ thời”

2020-07-14 11:04:24

 Hiện nay thời tiết nắng nóng, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, môi trường nước không ổn định dẫn đến tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, giá tôm biến động không ngừng do ảnh hưởng dịch Covid - 19, nên người dân hạn chế thả nuôi, phải kiên nhẫn chờ thời tiết thuận lợi nhằm hạn chế rủi ro.

Thời điểm hiện tại, nông dân vùng nước mặn của tỉnh Sóc Trăng đang tiến hành thả giống theo lịch thời vụ. Tuy nhiên, một số ao thả giống sớm đã phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay, tình hình thời tiết và môi trường nước thay đổi thất thường ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, dễ phát sinh dịch bệnh trên diện rộng.

Tôm chết hàng loạt tại một số địa phương. Ảnh: minh họa

Ông Huỳnh Sơn Minh (ngụ xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên) cho biết: Mấy năm gần đây, tình hình nuôi tôm ngày càng khó khăn. Sau 2 vụ nuôi tôm thất bại, giờ ông chưa dám thả giống. Hiện các ao nuôi tạm thời bỏ trống và mở cống lấy nước vào để tận dụng nguồn thủy sản tự nhiên. Thời gian tới, nếu tình hình thời tiết thuận lợi và các hộ bên cạnh nuôi có lãi thì gia đình ông mới thả giống. Còn nếu tình hình dịch bệnh vẫn phát triển thì gia đình sẽ chuyển đổi sang nuôi cua nước lợ vì cần ít vốn và dễ chăm sóc.

Vụ tôm năm 2020, gia đình ông Huỳnh Ny (xã Thạnh Quới) thả nuôi tôm thẻ với diện tích gần 3.000m2. Dù ông đã cải tạo, xử lý ao nuôi rất kỹ và chọn mua con giống ở cơ sở có uy tín nhưng tôm vẫn bị bệnh. Lúc mới thả tôm giống, thời tiết bất lợi làm tôm chậm phát triển. Nuôi được một tháng rưỡi, tôm có dấu hiệu bị bệnh nên gia đình đã mua thuốc để điều trị. Tuy nhiên, tôm không khỏi bệnh mà bắt đầu chết dần nên phải thu hoạch tôm non. Hiện giờ gia đình ông không dám nuôi tôm thẻ nữa mà thả tôm sú với hy vọng gỡ được phần nào vốn bỏ ra.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên toàn tỉnh là 22.981 ha (trong kế hoạch 50.000 ha). Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài và một số vùng nuôi không đảm bảo môi trường nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 1.505 ha (chiếm 6,5% diện tích thả nuôi).

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, người nuôi tôm cần hết sức dè chừng trong khâu thả nuôi và thực hiện tốt các khâu sau: 

- Đối với những diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh không được xả nước ra môi trường bên ngoài, nên xử lý ao nuôi bằng thuốc khử trùng.
- Các hộ nuôi xung quanh khu vực có ao nuôi bị dịch bệnh không được lấy nước trực tiếp vào ao nuôi của gia đình mà phải lấy từ ao lắng. Nước sau khi lấy vào ao lắng phải sử dụng thuốc sát khuẩn, diệt giáp sát triệt để trước khi đưa vào ao nuôi.
- Những địa phương đang phát sinh dịch bệnh nên ngưng thả giống mới. Bà con nên đợi đến khi tình hình dịch bệnh ổn định và điều kiện môi trường thuận lợi mới thả nuôi tiếp.
- Bà con nên chọn mua tôm giống tại các cơ sở có uy tín. Tôm giống trước khi thả nuôi phải được xét nghiệm bằng phương pháp PCR.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm để phát hiện sớm tình hình dịch bệnh. 

Cổng Nông Dân


Xem thêm