Covid-19 tái bùng phát: “Chia lửa” ở tâm dịch Đà Nẵng

2020-09-07 10:52:47

Trước tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát diễn biến phức tạp và ngày càng nguy cấp, cả nước hướng về tâm dịch ở Đà Nẵng. Lực lượng tinh nhuệ từ khắp nơi được đưa về tâm dịch, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng nhanh chóng dập dịch.
Trước tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát diễn biến phức tạp và ngày càng nguy cấp, cả nước hướng về tâm dịch ở Đà Nẵng. Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 thường xuyên họp trực tuyến với thành phố Đà Nẵng để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo triển khai công tác chống dịch. Lực lượng tinh nhuệ từ khắp nơi được đưa về tâm dịch, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng nhanh chóng dập dịch, hạn chế tối đa sự lây lan ra các tỉnh lân cận và trên phạm vị toàn quốc. Chính sự có mặt kịp thời này đã giúp Đà Nẵng bình tĩnh vượt qua đỉnh dịch...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (giữa) trực tiếp kiểm tra công tác cứu chữa bệnh nhân

Cuối tháng 7, dịch Covid-19 tái bùng phát với mức độ lây lan nhanh, rất khó kiểm soát. Bộ Y tế nhận định, việc đối phó với Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng căng thẳng và phức tạp hơn khi chủng virus mới đã xuất hiện tại ổ dịch Bệnh viện Đà Nẵng, tốc độ lây nhiễm nhanh hơn rất nhiều so với trước đây.

Bệnh viện C Đà Nẵng trong những ngày phong toả

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế dốc toàn lực hỗ trợ Đà Nẵng phòng chống dịch. Ngày 30/7, Bộ Y tế thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng”. Lúc này, bên cạnh các lực lượng phòng, chống dịch của thành phố Đà Nẵng còn có bộ phận thường trực, đội thường trực đặc biệt gồm 65 người là lãnh đạo, chuyên gia, bác sĩ giỏi… đến từ các đơn vị của Bộ Y tế. Các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Tim Hà Nội... cũng được điều động vào tâm dịch cùng nhau chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt cho biết, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ông cùng với các chuyên gia đầu ngành đã nhanh chóng có mặt tại điểm nóng.

Đoàn bác sĩ thành phố Hải Phòng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

“Bộ Y tế điều động trực tiếp, đầu tiên là Bệnh viện Trung ương Huế kịp thời tiếp nhận những bệnh nhân nặng nhất chuyển ra cơ sở 2 tại huyện Phong Điền tiếp nhận điều trị. Sau đó là 2 kíp của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy với những chuyên gia hàng đầu về hồi sức cấp cứu tham gia. Trong đó, phải kể đến ê kíp hồi sức của bác sĩ Trần Thanh Linh, trực tiếp điều trị, chữa khỏi cho BN91 tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã ra phụ trách thành lập, xây dựng và triển khai 2 đơn vị hồi sức tại Bệnh viện dã chiến Hoà Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết. 

Giây phút nghỉ ngơi của nữ bác sĩ Lương Thị Liên Đoàn, nhân viên y tế Hải Phòng hỗ trợ cho Đà Nẵng.

Ngay sau khi 3 bệnh viện lớn ở Đà Nẵng bị phong tỏa, đội công tác đặc biệt do GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phụ trách đã có mặt tại vùng dịch, hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng thực hiện phong tỏa.

Ê kíp bác sĩ Chợ Rẫy và đồng nghiệp tại BV Phổi Đà Nẵng.

Trong hoạn nạn, tình nghĩa anh em đã tiếp sức cho Đà Nẵng vượt qua gian khó. Đáp lời kêu gọi của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, chỉ sau 24 tiếng đồng, thành phố Hải Phòng đã cử đoàn cán bộ y tế vào tâm dịch Đà Nẵng, sát cánh với đồng nghiệp. Tiến sĩ - Bác Sĩ Trần Anh Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hải Phòng cho biết: Cuộc hành quân của các y, bác sĩ Hải Phòng lần này vào Đà Nẵng đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Đà Nẵng - Hải Phòng kết nghĩa (1960- 2020). Những người từ Hải Phòng vào chi viện cho Đà Nẵng vừa thể hiện tình cảm, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của người dân Hải Phòng. 

Bác sĩ Trần Thanh Linh (thứ 2 bên trái sang) cùng kíp bác sĩ khám cho bệnh nhân 582.

Với nghĩa tình giữa hai thành phố kết nghĩa từ trong chiến tranh đến thời điểm hiện nay cũng sẽ giúp phần nào trong công tác phòng chống dịch của thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi cũng hy vọng Đà Nẵng cũng sẽ nhanh chóng khống chế được dịch bệnh để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân"- BS Trần Anh Cường cho biết.

Bệnh nhân 582 cùng e kíp điều trị cứu sống mình trong những ngày tại Bệnh viện phổi Đà Nẵng.

Cả nước hướng về tâm dịch Đà Nẵng. Thành phố Hải Phòng, các tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế, Nghệ An... đã cử các đoàn y tế vào tiếp sức cho Đà Nẵng vượt qua gian khó. Các bệnh viện lớn như Bạch Mai- Hà Nội, Chợ Rẫy- TP Hồ Chí Minh đã cử các đội phản ứng nhanh, những chuyên gia hàng đầu về hồi sức cấp cứu hỗ trợ tích cực công tác điều trị bệnh nhân nơi tâm dịch. Bác sỹ Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh kể lại, ngày nhận lệnh lên đường anh chỉ kịp mang theo 1 bộ quần áo, chưa kịp tạm biệt vợ con, vội vã bay đến tâm dịch Đà Nẵng.

Ca mổ bắt con cho bệnh nhân 569 mắc Covid-19 lúc mang thai 35 tuần. Sự tận tình, tận tâm của các chiến binh áo trắng, bé gái được sinh ra khoẻ.

"Chúng tôi đến đây vào những ngày đầu tiên 24/7, hành trang chỉ có 1 bộ đồ. Khi đó chúng tôi cứ nghĩ là chỉ có 1 ca bệnh nhân nặng 416 phải thực hiện ECMO. Tuy nhiên sau đó nhiều bệnh nhân nặng tiếp theo. Chúng tôi nghĩ hiện nay còn rất nhiều anh em y tế chưa ra đây vẫn mong muốn họ sẵn sàng để cứu sống được càng nhiều bệnh nhân Covid càng tốt”- BS Trần Thanh Linh chia sẻ. 

Các chuyên gia hội chẩn các ca bệnh mắc covid-19 từ điểm cầu bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam - Bệnh viện Trung ương Huế, Bộ Y tế...

Công tác điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 được đặt ra với quyết tâm cao nhất. Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng đã hỗ trợ chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 sang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và các bệnh viện khác để giảm tải cho Bệnh viện Đà Nẵng. Thành phố đã nhanh chóng nâng cấp Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và thiết lập “thần tốc” bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn trong 4 ngày với quy mô từ 1.500 đến 2.000 giường bệnh. Các bệnh viện ở đây đã nhanh chóng thiết lập các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) với máy móc hiện đại và tăng cường nhân lực tinh nhuệ.

Bộ đội Quân khu 5 chuyển hàng về kho của Bộ Y tế.

Trong những ngày “dầu sôi, lửa bỏng” đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, những người lính áo trắng nơi đây đã làm hết sức mình để cứu chữa cho các bệnh nhân. 
“Ngay từ khi chúng tôi nhận ca bệnh Covid-19 đã có sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, sau đó là Bệnh viện Chợ Rẫy. Dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, chúng tôi đã thiết lập được phòng ICU 20 giường, đầy đủ trang thiết bị. Ba bệnh viện là Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và Bệnh viện Chợ Rẫy cùng nhau điều trị các bệnh nhân ở ICU. Chúng tôi sẵn sàng làm hết sức và cố gắng làm hết sức để cứu chữa tất cả bệnh nhân”- BS Lê Thành Phúc cho biết. 
Ngày 16/8, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bộ Y tế và ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã công bố bệnh nhân 582 khỏi bệnh khi lần thứ 5 xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân 55 tuổi này có nhiều bệnh nền nặng như: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim..., và nằm trong số các bệnh nhân tiên lượng nặng. Bệnh nhân này được bác sỹ Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh trực tiếp điều trị, chạy ECMO.
“Cảm xúc của mình rất vui, hạnh phúc khi được sum họp với gia đình. Cám ơn các bác sĩ của Bệnh viện Phổi cũng như Chợ Rẫy đã tận tình giúp đỡ cứu chữa cho mình vượt qua được cơn nguy kịch này từ cõi chết trở về. Mình xin cảm ơn tất cả các vị thầy thuốc họ đã dành hết tình cảm dành cho bệnh nhân”- bệnh nhân 582 chia sẻ sau khi từ cõi chết trở về.

Bác sĩ Nguyễn Đình Vĩnh- Giám đốc Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (đứng giữa) thể hiện quyết tâm chiến thắng cùng bệnh nhân ra viện.

Ê kíp của bác sỹ Linh và các cộng sự đã thành công trong việc giữ lại sự sống cho bệnh nhân 91, một phi công người Anh và hôm nay tiếp tục làm nên điều kỳ diệu là cứu sống bệnh nhân 582. Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng rất mừng khi chứng kiến bệnh nhân mắc Covid-19 từ cõi chết trở về. 
 
“Chúng ta công bố một bệnh nhân từ cõi chết trở về là thành công rất lớn. Thay mặt ngành Y tế TP Đà Nẵng rất cảm ơn thầy Linh- kíp trưởng kíp hồi sức tích cực. Cảm ơn tất cả các anh em hồi sức của mọi miền từ Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng cũng như Bệnh viện Phổi,... đã cố gắng hết sức cứu sống được bệnh nhân”- bà Ngô Thị Kim Yến cho biết. 
Bước sang tuần thứ 4 kể từ ngày dịch tái bùng phát, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng đã cơ bản được kiểm soát.
Cũng từ đó, cứ mỗi sớm mai thức dậy, người dân Đà Nẵng cảm thấy vui hơn khi số ca nhiễm giảm đi và bệnh nhân mắc covid-19 ra viện trở về nhà nhiều hơn!./.
Những ngày cuối tháng 8, các đoàn y, bác sĩ chi viện, hỗ trợ cho Đà Nẵng chống dịch lần lượt chia tay ra về. Họ lưu luyến tạm biệt thành phố tâm dịch Covid-19 sau 1 tháng "đồng cam cộng khổ", cùng bình tĩnh vượt qua đại dịch.
Những cuộc chia tay lưu luyến trong niềm vui, hạnh phúc. Những giọt nước yêu thương, những ánh mắt trìu mến gửi gắm bao điều tốt đẹp trong lòng một thành phố nghĩa tình. 

Theo vov.vn, ngày 07/9/2020